Niềm đam mê với nghề
Trung tá Bùi Thái Đức, Chuyên viên chính Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an TP Hồ Chí Minh, hơn 10 năm nay làm công tác tuyên truyền (CTTT), phổ biến và giáo dục pháp luật. Hiện anh là Báo cáo viên pháp luật cấp thành phố. Từ năm 2012 đến nay, anh đã tham gia CTTT với hàng ngàn buổi tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật trên toàn thành phố. Trung tá Bùi Thái Đức cho biết, CTTT, vận động nhân dân là một biện pháp phòng ngừa xã hội rất hiệu quả. Điều anh tâm đắc nhất là ý thức và trách nhiệm của Công an các đơn vị địa phương đã nhận thức được vị trí, vai trò của CTTT, vận động nhân dân, tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các ban, ngành đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền để đưa các văn bản pháp luật đến với nhân dân. Đặc biệt là phổ biến về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nhân dân đề phòng, cảnh giác cũng như tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.
Theo Trung tá Bùi Thái Đức, với cán bộ làm CTTT như anh, để nội dung tuyên truyền được lôi cuốn hấp dẫn, anh thường xuyên cập nhật, bổ sung thông tin mới, các xu hướng, “bắt trend” (nếu nói chuyện với học sinh, sinh viên) để thu hút người nghe. Đồng thời, sưu tầm các video clip phù hợp để trình bày, chuẩn bị thêm hiệu ứng âm thanh, những câu nói “tếu”, dân dã phù hợp với từng địa bàn, đối tượng để tạo không khí vui tươi, thoải mái cho người nghe.
Cho đến giờ anh vẫn nhớ một kỷ niệm khó quên tại một buổi tuyên truyền ở quận 8 do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận tổ chức. Sau khi anh kết thúc bài thuyết trình, mọi người đề nghị báo cáo viên phải hát một bài để tặng, chụp ảnh làm kỷ niệm. Sau đó có một cô còn mời anh đến nhà ăn cơm. “Chỉ những hành động nhỏ đó thôi cũng khiến tôi xem như là nguồn động viên rất lớn để tôi tiếp tục tham gia công tác nhiều niềm vui này”, Trung tá Bùi Thái Đức vui vẻ cho biết.
Là cán bộ nữ, Trung tá Lê Huỳnh Như, bên cạnh công việc chuyên môn chính là Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (CSGT-TT), Công an quận 12, chị cũng là một cán bộ tuyên truyền (CBTT) có thâm niên nhiều năm khi liên tục thực hiện nhiều buổi tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) và các văn bản pháp luật về giao thông cho nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên ở các trường cao đẳng, đại học, công nhân, người dân ở các khu dân cư...
“Ngoài công tác chỉ huy, chuyên môn thường ngày, chính qua những buổi tuyên truyền với các đối tượng khác nhau, chúng tôi có thể nắm bắt thêm suy nghĩ, tâm tư cũng như mong muốn của người dân về lực lượng, về CBCS cũng như hiểu biết của họ để có thể có thêm nhiều buổi tuyên truyền khác cho sát với thực tế mà người dân cần”, Trung tá Lê Huỳnh Như cho hay.
Cũng theo Trung tá Lê Huỳnh Như, chính việc thực hiện các buổi tuyên truyền cho nhiều kiểu đối tượng cũng góp phần thúc đẩy bản thân chị phải tìm hiểu, nắm bắt thêm nhiều thông tin, kiến thức cũng như phải học hỏi các phương cách kỹ thuật, hình ảnh, âm thanh để có thể truyền tải tốt hơn các nội dung tuyên truyền cũng như trả lời các thắc mắc của người được tuyên truyền...
Đưa pháp luật đi vào cuộc sống
Có thời gian làm công tác chuyên trách tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT, kỹ năng xử lý an toàn khi tham gia giao thông trên đường 12 năm nay (từ năm 2010), Trung tá Nguyễn Chánh Trung, Đội CSGT-TT Công an TP Thủ Đức, chia sẻ rằng mình rất đam mê với công việc này.
Nói về kinh nghiệm nghề nghiệp, anh vui vẻ cho biết làm CTTT những nội dung vốn khô cứng, ít hấp dẫn, do đó CBTT như anh không đưa ngôn ngữ giáo điều, học thuật để tuyên truyền cho người dân. Người CBTT cần vận dụng khả năng hiểu biết của mình để truyền tải nội dung, ngôn ngữ theo cách dễ hiểu nhất, thiết thực nhất cho từng đối tượng.
“Bản thân CBTT phải đặt mình vào vị trí của người được tuyên truyền, để hiểu họ muốn được tuyên truyền gì, họ thiếu những kỹ năng nào… Qua đó, CBTT mới có thể nói đúng trọng điểm, cung cấp những thông tin, hình ảnh mà người dân cần nghe, cần biết. Như vậy họ mới chú ý và quan tâm tới nội dung được tuyên truyền”, Trung tá Nguyễn Chánh Trung đúc kết.
Trong quá trình công tác, Trung tá Nguyễn Chánh Trung cũng như các đồng nghiệp khác đã tuyên truyền cho nhiều kiểu đối tượng. Tuy nhiên, với mỗi kiểu đối tượng, CBTT sẽ phải linh hoạt và sử dụng các biện pháp tuyên truyền phù hợp cho mỗi kiểu đối tượng được tuyên truyền.
“Với đối tượng tuyên truyền là học sinh, sinh viên, do lứa tuổi và trình độ khá đồng đều và có sự tập trung thì chúng tôi sẽ dễ tuyên truyền hơn. Nhưng với người dân ở các khu dân cư, họ sẽ có nhiều lứa tuổi, trình độ hiểu biết khác nhau thì việc tiếp cận và tuyên truyền cho họ cũng khó hơn, đòi hỏi CBTT phải linh hoạt hơn, vận dụng nhiều cách thức tuyên truyền hơn…”, Trung tá Nguyễn Chánh Trung cho biết thêm.
Trong việc tuyên truyền các nội dung về ATGT cũng như các văn bản pháp luật liên quan, theo Trung tá Nguyễn Chánh Trung thì CBTT phải đến với thái độ phục vụ nhân dân, có tư thế, tác phong, giọng nói, thái độ cử chỉ gần gũi, thân thiện khi tiếp xúc với người dân, đó là cốt lõi vấn đề để người dân có thiện cảm, chủ động tiếp nhận thông tin và ủng hộ việc tuyên truyền của cán bộ.
Theo Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, CTTT, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn giữ vị trí quan trọng trong việc đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của ngành Công an vào đời sống xã hội. Đây là công tác mang tính chiến lược, thường xuyên, lâu dài, nếu triển khai thực hiện nghiêm túc sẽ mang lại hiệu quả sâu sắc, góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc