Cảnh sát hình sự Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao

Thứ ba - 31/05/2022 23:33 1.331 0
Theo thống kê của Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng, diễn biến phức tạp, đòi hỏi không chỉ các cơ quan thực thi pháp luật mà trực tiếp là người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động nhận diện đúng, trúng những thủ đoạn để có biện pháp phòng tránh, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả.

Muôn hình vạn trạng thủ đoạn… lừa đảo

Đánh giá của Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình tội phạm hình sự trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường mới. Một trong những loại tội phạm nổi lên đó chính là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 96 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tăng 12,9% so với năm 2019, giảm 5,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, đáng chú ý là từ đầu tháng 5/2022 đến nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 9 vụ, tăng 7 vụ = 350%,  so với thời gian liền kề trước đó.

Đối tượng hoạt động lừa đảo vẫn sử dụng các phương thức, thủ đoạn chủ yếu là giả danh nhân viên bưu điện, cán bộ các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, ngân hàng để lừa đảo. Chúng tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục... gọi điện thoại thông báo cho người bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại hoặc nợ tiền ngân hàng... Khi người dân trả lời không có những việc trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy để người bị hại nói chuyện với đồng bọn giả danh là cán bộ các Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để trình báo…

Cảnh sát hình sự Hà Nội vạch trần các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao -0
Cơ quan Công an bắt giữ một đối tượng lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo.

Lúc này, các đối tượng tiếp tục thông báo cho người bị hại đang liên quan đến các vụ án, chuyên án của cơ quan Công an đang điều tra như: Buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... và đã có lệnh bắt của Viện KSND Tối cao, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Chúng yêu cầu người bị hại phải luôn nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác là đang làm việc với cơ quan pháp luật. Sau đó, các đối tượng vừa dùng những lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam người bị hại để điều tra, vừa nói sẽ xem xét, tạo điều kiện nếu thành khẩn khai báo rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra... rồi chiếm đoạt số tiền trên. Mới đây, ngày 4/5, một phụ nữ ở quận Long Biên đã bị đối tượng giả danh Công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 100 triệu đồng cũng bằng thủ đoạn tương tự.

Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội của bị hại hoặc gọi điện thoại giả làm người quen lâu ngày không gặp, sau khi hỏi thăm tình hình rồi vay mượn tiền để chiếm đoạt. Mới đây, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hoan (SN 1995, ở thôn Phương Ngạn, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn chiếm quyền sử dụng tài khoản Zalo sau đó giả danh người quen để lừa vay của các bị hại với số tiền rất lớn. Các đối tượng còn giả danh nhân viên các công ty viễn thông gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của người bị hại đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn.Để nhận được tài sản đó, chúng yêu cầu “người trúng thưởng” phải mất phí mới có thể kích hoạt được quà tặng.Nhiều trường hợp ham quà đã đồng ý mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp.Khi bị hại nạp tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đã gửi.

Thông tin với PV, đại diện Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội cho biết: Các đối tượng còn giả danh nhân viên công ty bán hàng qua mạng internet đăng bài tuyển cộng tác viên trên Facebook. Những cái "bẫy" này nhanh chóng dụ người có nhu cầu kết bạn Facebook với các đối tượng và được tư vấn đặt mua các đơn hàng có giá trị từ thấp đến cao, sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được thanh toán và hưởng từ 10-12% giá trị đơn hàng. Sau khi người bị hại thực hiện 1-2 nhiệm vụ với những đơn hàng giá trị thấp, các đối tượng sẽ hoàn tiền vào tài khoản ngân hàng của người bị hại để làm tin. Khi thấy “cá” đã cắn câu, các đối tượng yêu cầu nạn nhân thực hiện mua các đơn hàng có giá trị cao hơn và bắt lỗi nạn nhân để yêu cầu thực hiện nhiều đơn hàng khác đến khi nạn nhân không còn tiền để làm nhiệm vụ nữa và chiếm đoạt số tiền của nạn nhân.

Chủ động nhận diện, tăng cường đấu tranh

Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn cho vay tiền qua app. Lợi dụng việc vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang cho vay tiền và chạy quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp cận những ai có nhu cầu. Sau khi tiếp cận được nạn nhân, các đối tượng sẽ gửi những đường link kết nối để bị hại cài đặt ứng dụng vào điện thoại và làm theo hướng dẫn. Khi bị hại đăng nhập để vay tiền thì app sẽ báo lỗi. Các đối tượng yêu cầu người dân phải chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được hoặc yêu cầu nạn nhân mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân...Tin vào lời của các đối tượng, rất nhiều người chuyển tiền nhiều lần để được vay cho đến khi nghi ngờ bị lừa không chuyển nữa thì số tiền chuyển đã “bốc hơi”.

Trung tá Nguyễn Thế Hanh, Đội phó Đội 6, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Hiện nay, nhu cầu cũng như các ứng dụng cho vay online rất phát triển. Tuy nhiên, người dân cần cảnh giác với những trang web giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, trang web ngân hàng... Khi người dân có nhu cầu về vay vốn hoặc tìm hiểu thông tin cần lưu ý chỉ đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng, trên các website chính thức của ngân hàng có uy tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP (mã bảo mật gửi đến số điện thoại di động đăng ký tài khoản tại ngân hàng) do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục lợi dụng sức “nóng” của nhiều dự án bất động sản để lừa đảo. Chúng lợi dụng các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố gần với Thủ đô để “làm màu” thu hút các khách hàng. Sau khi những dự án này mở bán các sản phẩm, căn hộ liền kề, biệt thự và chung cư... chúng giới thiệu có người quen, hoặc có suất ngoại giao được ưu đãi để những người có nhu cầu ký hợp đồng đặt tiền mua các sản phẩm. Sau khi nhận được tiền của khách hàng, các đối tượng này chiếm đoạt và bỏ trốn.

Trước tình trạng và diễn biến phức tạp của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng CSHS Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tập trung tuyên truyền đến tất cả người dân nắm được các phương thức, thủ đoạn của đối tượng gây án để phòng ngừa. Đối với người dân, Phòng CSHS khẳng định và khuyến cáo: Trong những trường hợp cơ quan Công an cần làm việc với người dân đều gửi giấy triệu tập, giấy mời thông qua chính quyền địa phương, CSKV...

“Cơ quan Công an không bao giờ làm việc theo hình thức gọi điện thoại như trên. Khi bị các đối tượng giả danh Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, gọi điện thoại đe dọa, người dân cần bình tĩnh, thông báo ngay cho người thân và Cơ quan Công an gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp cho các đối tượng thông tin về tài sản cá nhân, tiền mặt hiện có và tài khoản ngân hàng” – Thượng tá Cao Văn Thái, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội khuyến cáo.

Cũng theo đại diện Phòng CSHS, người dân cần cảnh giác, không công khai các thông tin cá nhân như ngày sinh, số CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Cảnh giác khi kết bạn với những người lạ trên các mạng xã hội, đặc biệt là những người mới quen hứa hẹn tặng những món quà đắt tiền. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại của người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, người dân cần gọi điện thoại trực tiếp xác nhận, kiểm tra thông tin có chính xác hay không, nâng cao cảnh giác  đồng thời cũng tuyên truyền cho người thân trong gia đình, những người xung quanh không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác.

Trong thời đại bùng nổ các sàn giao dịch, thương mại điện tử, các đối tượng lừa đảo lợi dụng triệt để sơ hở của người dân, khách hàng để gây án. Người dân cần cảnh giác với các trang web, facebook giả mạo các sàn thương mại điện tử tuyển nhân viên làm cộng tác viên và gửi thông tin cá nhân kết bạn Zalo để tư vấn bỏ tiền ra mua hàng hưởng hoa hồng với lãi suất cao. Sau khi mua hàng sẽ không nhận được tiền nếu như không tiếp tục mua hàng giá trị cao hơn. Những "miếng mồi" lãi suất béo bở đó trở thành cái bẫy nhốt chặt bất cứ nguồn tiền nào mà người mua hàng chuyển đến trước khi chúng được gửi sang một tài khoản thứ “n” để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây