Theo chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, Bộ Công an chủ trì xây dựng 13 dự án luật, 16 Nghị định, 116 thông tư và 03 thông tư liên tịch trên các lĩnh vực công tác công an. Trong đó có các luật có nhiều nội dung chính sách lớn có tác động đến toàn xã hội như: Luật Căn cước công dân sử đổi, Luật Công an nhân dân sửa đổi, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… là cơ sở pháp lý quan trọng huy động sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự; xây dựng Chính phủ số, chính phủ điện tử; xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.
Công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật đến toàn xã hội trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc nhất là trong việc truyền tải chi tiết các nội dung, tác động, tầm ảnh hưởng và sự cần thiết để ban hành của các dự thảo luật. Vì vậy chưa đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân. Điều này đã được các đại biểu tham gia Hội nghị phát biểu, đưa ra các ý kiến thẳng thắn để giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng pháp luật của lực lượng Công an nhân dân như: công tác phối hợp xây dựng và rà soát, nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới của các cục nghiệp vụ Bộ Công an; khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác phối hợp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là tuyên truyền tới đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, đơn vị liên quan tại địa phương về các dự án luật do Bộ Công an xây dựng…Nhằm đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh trật tự, Công an tỉnh Phú Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí nguồn lực, tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, khắc phục những mâu thuẫn, bất hợp lý trong hệ thống pháp luật, tăng cường tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan về sự cần thiết, ý nghĩa của việc ban hành các dự án luật đến các giai tầng xã hội, lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên nhà, nhà khoa học và Nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật; có quy chế phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội để trao đổi các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật cũng như tuyên truyền các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất. Nâng cao trách nhiệm của các sở, ban ngành trong việc đề nghị tham gia góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên phối hợp trong các giai đoạn xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vai trò, trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân. Việc lấy ý kiến các hồ sơ dự thảo và tài liệu có liên quan đến nội dung dự thảo Luật cần được gửi sớm, có thời gian yêu cầu ít nhất 03 ngày làm việc trở lên để các đại biểu, cơ quan, đơn vị liên quan có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin; sắp xếp thời gian khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu tác động; nhất là các đại biểu Quốc hội lấy ý kiến của Nhân dân từ các buổi tiếp xúc cử tri…Từ đó, sẽ có nhiều thông tin từ thực tế và đa chiều của người dân để có ý kiến trao đổi với cơ quan soạn thảo chỉnh sửa, hoàn chỉnh dự thảo văn bản có chất lượng cao. Chủ động nghiên cứu và tham gia góp ý đầy đủ, có chất lượng, đúng thời gian quy định về các dự án Luật theo đề nghị của đoàn Đại biểu Quốc hội, sở, ban ngành, chính quyền địa phương. Công an tỉnh Phú Yên tham dự Hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật năm 2023 do Bộ Công an tổ chức