Năm 2022, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến, thông qua 39 dự án luật, đề nghị xây dựng luật. |
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, về các dự án Luật, đề nghị xây dựng Luật, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và các đề nghị xây dựng các luật: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Chính phủ đánh giá cao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc chuẩn bị, trình Chính phủ các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến Thành viên Chính phủ; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc vai trò của cơ quan thẩm định, thẩm tra, có ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; các Thành viên Chính phủ có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát, với tinh thần xây dựng cao.
Chính phủ đã quyết nghị nhiều nội dung, trong đó đánh giá cao Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân theo đúng quy định; kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Cơ bản thống nhất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật theo hướng: Rà soát các nội dung cụ thể của dự án Luật trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành còn phù hợp trong thực tiễn và các quy định có liên quan của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; khắc phục vướng mắc, bất cập để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Lao động. Cần thể chế hóa cụ thể các trường hợp đặc biệt, phù hợp với các quy định của Đảng, thủ tục đơn giản để thuận lợi trong tổ chức thực hiện, phù hợp với yêu cầu đặc thù của ngành.
Cần có quy định chuyển tiếp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; xem xét, giao Chính phủ quy định những vấn đề đặc thù, chưa ổn định nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn về: tiêu chí, điều kiện phong cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, chế độ đối với công nhân công an.
Bộ Công an khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội hóa XV.
Về đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ trì xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) theo đúng quy định; kịp thời cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục những tồn tại, bất cập nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về dân cư, thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Chính phủ cơ bản thống nhất với các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật về: Chính sách 1 quy định việc tích hợp thông tin trong thẻ Căn cước công dân; Chính sách 2 về bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Chính sách 3 về bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp Giấy chứng nhận căn cước; Chính sách 4 về hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Bộ Công an hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chính phủ đánh giá cao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tích cực chuẩn bị trình Chính phủ về Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trình Chính phủ nhằm thể chế quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo cơ sở để tăng cường tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Cơ bản thống nhất các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện theo hướng: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành, hoàn thiện, làm rõ hơn về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp làm cơ sở thống nhất 03 nội dung trong cùng một luật để phù hợp với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật.
Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XV.
Ngoài ra, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành thời gian, tập trung các nguồn lực tiếp tục trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý, tập trung nguồn lực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm; rà soát, đánh giá kết quả công việc đã triển khai, rút ra nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội; bám sát tình hình thực tế, làm rõ các vấn đề bất cập trong thực tế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục; đề xuất xây dựng chính sách kịp thời ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; thể chế hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, bám sát thực tiễn; nghiên cứu kỹ, đề xuất các vấn đề mới, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Các cơ quan chủ trì xây dựng và trình các dự án Luật tăng cường hơn nữa việc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, các chủ thể liên quan trong quá trình xây dựng dự án luật, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và trong Nhân dân; cần quan tâm, đẩy mạnh truyền thông chính sách ngay từ khi đề xuất chính sách, trong quá trình soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền và sau khi ban hành chính sách...
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an:
Ý kiến bạn đọc