Chiều 13/7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với sự tham gia của hơn 33.000 đại biểu từ các đầu cầu.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội (cơ quan thường trực Đề án) cho biết, trong quá trình triển khai Đề án 06, Hà Nội nhận được sự quan tâm, hướng dẫn thường xuyên của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an... Các bộ, ngành đã thường xuyên nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai của Hà Nội để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, liên quan đến sử dụng các dịch vụ trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực có DVC được sử dụng nhiều nhất là: An ninh trật tự (đăng ký lưu trú trên 95.000 hồ sơ); lĩnh vực Tư pháp-Hộ tịch; Công Thương, Giao thông-Vận tải, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông. Các lĩnh vực có dịch vụ công sử dụng ít nhất là: Nội vụ (1 hồ sơ), du lịch (10 hồ sơ), Thông tin và Truyền thông (73 hồ sơ mức độ 3)…
Từ ngày 4/10/2021 đến 14/3/2022, Hệ thống thông tin Một cửa điện tử thử nghiệm của TP đã tiếp nhận 466.772 hồ sơ, trong đó đã xử lý 448.672 (đạt 96.1%), hồ sơ tiếp nhận cao nhất trong 1 ngày đạt 7.000 hồ sơ. Về triển khai 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến nay TP đã hoàn thành triển khai 21/25 DVC với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng DVC.
Trong đó, các DVC được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực cư trú của Công an TP Hà Nội với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trong 6 tháng đầu năm là trên 100.000 hồ sơ. Đối với 4 DVC còn lại, gồm: Cấp phiếu lý lịch tư pháp; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; Liên thông; Đăng ký khai sinh và Liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí... Hà Nội đã chủ động đề xuất phương án đồng thời sẵn sàng phối hợp thực hiện triển khai theo hướng dẫn của các Bộ, ngành chủ quản.
Về nhóm phát triển công dân số, TP đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2,3 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đã thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu, trong đó đã cấp trên 35.000 Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp kèm định danh điện tử cho các cháu học sinh (sinh năm 2004 và 2007) phục vụ cho việc đăng ký dự thi; tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân.
Hà Nội cũng rà soát, làm sạch 3 cấp với gần 8 triệu thông tin công dân (đạt tỷ lệ 99,5); đã ký xác nhận được hơn 13 triệu mũi tiêm (đạt 74%), đã thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia. Tính đến ngày 30/6/2022, TP đã có gần 4,4 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh; có 447 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám, chữa bệnh; số lượt sử dụng CCCD tra cứu khám, chữa bệnh là 26.210 lượt.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng nêu nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể, do đặc thù của Hà Nội có sự phân chia khu vực đô thị và nông thôn nên tính chất và đặc điểm dân cư cũng có sự khác biệt. Đặc biệt việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin của một bộ phận nhân dân còn có hạn chế nhất định nên việc hướng dẫn và vận động nhân dân tham gia sử dụng các DVC chưa đồng đều giữa các khu vực.
“Tâm lý của người dân đối với việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến còn e ngại và do thói quen muốn đến tận nơi, muốn được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp. Việc sử dụng các thiết bị thông minh hỗ trợ cho việc thực hiện đối với 1 bộ phận người dân (người cao tuổi, công dân vùng nông thôn) còn nhiều hạn chế, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky thông tin. Ngoài ra, việc cung cấp các DVC trực tuyến chưa linh hoạt và đơn giản cũng như việc phát sinh thêm một số chi phí như phí dịch vụ bưu chính, thanh toán trực tuyến cũng là nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tham gia của người dân.
Từ thực trạng đó, BCĐ 06 TP kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng DVC Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các hệ thống thông tin khác.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cũng kiến nghị Bộ Y tế chỉ đạo, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu chứng sinh, báo tử, sức khỏe với cơ sở dữ liệu hộ tịch, dân cư, bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh và xã hội; chỉ đạo các cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bệnh viện ký số Giấy chứng sinh, Giấy báo tử, Giấy khám sức khỏe bản điện tử gửi vào Tài khoản giao dịch điện tử, Kho quản lý dữ liệu điện tử, Thư điện tử của công dân; giảm việc công dân phải trực tiếp đến cơ quan chứng thực để chứng thực sao y bản giấy và chứng thực sao y bản điện tử, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công dân.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc