Chạy đua với thời gian
Đêm 17-10, khi những vạt rừng thuộc xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) còn chìm trong bóng tối tịch mịch, thì tại một quãng suối, ánh đèn pha từ 2 chiếc xe ôtô chuyên dụng của Trung tâm SOS môi trường chiếu sáng rực. Những cán bộ kĩ thuật với bộ quần áo bảo hộ màu vàng vẫn đang miệt mài lắp đặt các màng lọc dầu chuyên dụng. Dường như sự thay đổi thời gian đêm ngày không làm tổ kĩ thuật bận tâm.
Công việc kéo dài từ trưa 16-10 và khi đêm xuống, họ chưa dừng tay. Bằng kinh nghiệm trong những lần ứng phó tràn dầu, họ hiểu việc dùng màng lọc để lọc tách và giữ dầu dạng khuếch tán có trong nước là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất phải được thực hiện càng nhanh càng tốt để cô lập khẩn cấp dầu tràn, kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn nước sông Đà.
Trời về sáng, tổng số 23 tấm lọc đã được lắp đặt và căng ngang các điểm dọc suối Bằng, suối Trầm và kênh dẫn nước về hồ Đầm Bài ở các cự ly khác nhau. Và nhiều ngày sau đó, các chuyên gia SOS môi trường vẫn không rời vị trí để kiểm tra và thay thế liên tục các tấm màng lọc đã hút no dầu.
Ngày 20-10, gần hai tuần sau vụ đổ trộm dầu thải xuống đầu nguồn nước sạch Sông Đà, những người lính SOS môi trường vẫn cặm cụi nạo vét đất đá ngấm dầu... Xử lý dầu tràn tại đầu nguồn nước sạch Sông Đà chỉ là một trong số hàng trăm ca "giải cứu" môi trường của những người lính SOS. Bởi các sự cố tràn dầu và hóa chất có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở mọi cảnh huống, ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến xăng dầu.
Tổ kĩ thuật SOS môi trường thu gom dầu lan trên mặt ruộng tại phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa ngày 28-12-2018. |
Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn cho biết, cùng thời điểm xử lý dầu thải sông Đà, SOS môi trường đang phải xử lý đồng thời 2 vụ dầu tràn với số lượng lớn.
Anh bảo, không phải lúc nào công tác ứng phó cũng gặp thuận lợi, không ít lần anh em SOS ở vào tình thế cười ra nước mắt. Có vụ dầu tràn từ bồn chứa nhiễm vào nguồn nước của người dân, việc xử lý rất cấp bách nhưng người dân nhất định không cho xử lý dầu tràn vì… muốn giữ nguyên hiện trường.
Cũng có lần anh em SOS bất đắc dĩ phải ở thế án binh bất động. Đó là khi hai tàu đâm nhau, đội SOS gấp rút xuất phát trong đêm, nhưng đến nơi lại không được phép có bất cứ một động thái ứng phó nào, đành "nghỉ giải lao" đến tận chiều, đợi hai chủ tàu có mặt để xác định bên nào phạm lỗi.
Có trường hợp sự cố xảy ra, nhà thầu và đơn vị thi công họp nửa ngày chưa ngã ngũ. Đội SOS chỉ biết tập trung tại hiện trường và... chờ đợi. Anh em hết đứng lại ngồi, sốt ruột khi thời gian vàng trôi đi vô ích. Bởi họ đều hiểu rằng, trong ứng phó sự cố môi trường, chậm một chút, trì hoãn một chút sẽ kéo theo các chất nguy hại lan loang sâu rộng hơn môi trường, và thời gian khắc phục của biết bao con người sẽ không phải trong một vài ngày, hay một vài tháng, mà lâu hơn rất nhiều với nhiều hậu quả khôn lường.
Với những người lính SOS môi trường, tinh thần vì môi trường không chỉ thể hiện ở việc làm, mà còn đọng lại trên logo với ba gam màu: xanh lá cây, vàng và xanh nước biển, tượng trưng cho không khí, đất và nước - ba yếu tố tạo nên môi trường. Màu vàng - màu của hóa chất, cũng chính là lớp dầu tràn trên mặt nước phát tán vào đất, nước, và không khí.
Hàng chữ SOS như một tín hiệu cảnh báo ô nhiễm môi trường đã trở nên báo động, cần sự vào cuộc khẩn trương. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường là trọng tâm của hoạt động ứng phó, là tôn chỉ hành động của những người lính SOS.
Niềm vui của những người lính áo vàng
Tại trụ sở Trung tâm, khi tiếng chuông điện thoại đường dây nóng vang lên là lính SOS lập tức lên đường. Ở hiện trường dường như không có ngày hay đêm, mưa hay nắng, ngày làm việc hay ngày lễ tết. Mối quan tâm duy nhất là dầu đã được xử lý hết chưa, còn gây hại cho môi trường không.
Ngay thời điểm Tết Dương lịch 2019, anh em SOS vẫn đang phải ứng phó tràn dầu tại Trạm xăng dầu số 361 ở phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa vào đêm 13-12-2018, lan ra các cống ngầm dân sinh và khoảng gần 5ha ruộng lúa của người dân.
Thời điểm cuối năm, miền Bắc vào đợt rét tăng cường, trời mưa tầm tã, nhưng cả tổ kỹ thuật SOS vẫn trầm mình dưới ruộng và các mương nước. Các thiết bị hiện đại không thích hợp để sử dụng đối với ứng phó sự cố tràn dầu trên ruộng. Phương án không thể khác là phải làm thủ công. Nhiều anh em phía Nam chân tay tê cóng vì không quen thời tiết, bộ quần áo bảo hộ cũng không đủ ấm khi họ phải đằm mình trong nước mấy ngày liên tục.
Sau khi xử lý hết dầu là đến giai đoạn phục hồi môi trường, xử lý sạch dầu lẫn trong bùn đất để trả lại đất sạch cho bà con trồng trọt. Đây thực sự là công việc khó khăn, đòi hỏi chuyên môn sâu, tốn nhiều công sức và thời gian. Những ngày cận tết tổ kĩ thuật SOS không rời hiện trường.
Trong những đợt căng mình xử lý sự cố, với anh em SOS, giấc ngủ quý giá vô cùng. Khi công việc đã tạm xong, họ ngả lưng ngay tại hiện trường và ngủ ngon lành, mặc cho quần áo hơi nồng mùi dầu và lấm lem bùn đất.
Tổ kĩ thuật SOS môi trường miệt mài lắp đặt màng lọc dầu trong đêm 17-10 để kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn nước sông Đà. |
Ngỡ như ăn trong dầu, ngủ trong dầu thì người lính áo vàng đã quá quen với hơi dầu, nhưng vẫn có những lúc đầu óc chếnh choáng, đi lại lảo đảo, trời càng nắng thì càng khó thở, lại ăn không đúng bữa, nghỉ không đúng giờ nên những cơn say dầu vẫn ập đến. Nhưng đã thành quen, cứ đến hiện trường sự cố, là anh em phải dò tìm mùi dầu như một mùi quen thuộc.
Tại hiện trường, những nụ cười, câu chuyện kết nối miền ngược miền xuôi, tiếng Bắc chen với tiếng Nam, tiếng Trung xua bớt những vất vả, khó khăn. Chuyện anh lính Nguyễn Công từ Đà Nẵng ra Hà Nội tham gia ứng phó sự cố tràn dầu đúng vào thời điểm cúc họa mi nở rộ. Kết thúc chuyến công tác, hành trang trở về Đà Nẵng của Nguyễn Công có cả bó họa mi trắng tinh khôi mang theo chút se lạnh của Hà Nội mang về tặng vợ.
Hoàng Long nói với tôi rằng, ứng phó tràn dầu trên đất liền đã vất vả, nhưng xử lý sự cố trên biển còn vất vả hơn. Giữa biển khơi, mọi thứ đều thiếu thốn khi phải đối mặt với sóng to gió lớn, miếng cơm, ngụm nước cũng trở nên khó khăn hơn, cuộc gọi về cho vợ con cũng bị ngắt quãng. Rồi những đêm ngủ không tròn giấc đã thành quen khi bất chợt chuông điện thoại báo sự cố vang lên.
Cuốn sổ tay Long luôn mang theo ghi kín những đầu việc cần xử lý trong mỗi vụ tràn dầu. Nhìn vào cuốn sổ ấy, đủ thấy niềm say mê công việc của họ. Họ không hề mong muốn sự cố xảy ra để phải triển khai ứng phó. Họ chỉ mong có thể góp phần ngăn chặn được sự cố, bảo vệ cuộc sống của người dân...
Tác giả: cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc