Hiện nay, việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng nói trên được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có một số văn bản quy phạm pháp luật đã được bổ sung, thay thế, một số văn bản đã hết hiệu lực, hết hiệu lực một phần không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo thống kê, hiện nay trong toàn quốc có khoảng 300.000 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Theo đó, khi dự án Luật được ban hành sẽ tiếp tục sử dụng các lực lượng, chức danh đang hoạt động hiện nay và thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng địa phương. Với việc điều chỉnh theo hướng này không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động mà tiếp tục sử dụng lực lượng đang hiện có.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trên toàn quốc đã giảm xuống còn 84.721 thôn, tổ dân phố (hồ sơ dự án Luật vào thời điểm khảo sát là 103.568 thôn, tổ dân phố) và mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng (hồ sơ dự án Luật thời điểm xây dựng tính theo mức lương cơ sở trước ngày 01/7/2023 là 1.490.000 đồng) thì mức chi hiện nay trên toàn quốc cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng trung bình là khoảng 3.570 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời chủ trương của Đảng, Nhà nước đang tiếp tục sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, do đó khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể giảm xuống, đồng thời tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo. Như vậy, nếu thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về tổng kinh phí.
Vì vậy, việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hết sức cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở trong giai đoạn mới.