Tầm quan trọng của việc ban hành luật căn cước

Thứ ba - 24/10/2023 10:57 1.392 0
Luật Căn cước là một trong những dự án luật quan trọng được Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 (Tháng 10/2023). Dự thảo Luật này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước phục vụ phát triển, ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Có thể khẳng định những điểm mới và tầm quan trọng của việc ban hành Luật Căn cước thể hiện qua những nội dung sau đây:
Việc xây dựng và ban hành Luật Căn cước sẽ tạo một bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: quy định về khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước; bổ sung một số trường thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; quy định về căn cước điện tử… do đó việc xây dựng và ban hành Luật Căn cước là hết sức cần thiết đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước trong tình hình mới.
Những điểm mới của dự thảo Luật Căn cước, bao gồm:
Một là, Sửa đổi, bổ sung một số trường thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước. Theo dự thảo Luật Căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bao gồm 26 nhóm thông tin của công dân. Những thông tin này sẽ giúp cho việc xác định danh tính và giao dịch của công dân trên các nền tảng điện tử được thuận tiện và an toàn hơn.
Hai là, Quy định về căn cước điện tử có giá trị pháp lý tương đương với căn cước và có thể được sử dụng để chứng minh danh tính, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các giao dịch điện tử.
Ba là, Quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này sẽ giúp cho việc quản lý dân cư và bảo vệ quyền lợi của họ được thực hiện tốt hơn.
Bốn là, Lược bỏ vân tay và một số thông tin không cần thiết trên thẻ căn cước. Theo dự thảo Luật, việc lấy vân tay của công dân khi cấp căn cước sẽ được bỏ đi, thay vào đó là sử dụng mã QR để liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, một số thông tin cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như: dòng chữ “căn cước công dân”, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ sẽ được sửa thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và mã QR. Những thay đổi này nhằm tối ưu hóa thiết kế và bảo mật của thẻ căn cước.

Tác giả: Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Phú Yên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây