Loại hình tội phạm này tuy không mới, nhưng nổi lên mạnh mẽ trong thời gian gần đây, trong khi cơ chế pháp lý đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn bất cập. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đấu tranh quyết liệt với tội phạm mạng, lực lượng phá án do Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với các lực lượng đã đấu tranh phát hiện và bắt giữ các đối tượng liên quan.
Trung tâm tán phát phim lậu
Đối tượng chính của vụ án là Phan Ngọc Tuấn (SN 1994, trú tại thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã được các trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng An ninh mạng), Công an tỉnh Quảng Bình đưa vào “tầm ngắm” từ trước đó 2 năm. Những hoạt động, thủ đoạn của đối tượng được lập thành tập hồ sơ và lực lượng trinh sát công nghệ cao đưa vào diện theo dõi để đấu tranh.
Sau một thời gian thu thập chứng cứ, tài liệu và nắm rõ quy luật hoạt động của đối tượng, ngày 23/12/2023, thực hiện kế hoạch đấu tranh nghiệp vụ và sự chỉ đạo phá án của Đại tá Lê Văn Hóa – Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, lực lượng phối hợp do Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình và Công an tỉnh Phú Yên, Công an TP Hồ Chí Minh triển khai 3 tổ công tác triệu tập, đấu tranh với các đối tượng thực hiện hành vi tạo lập, quản trị, điều hành các website phát tán phim xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Tại nhà của Phan Ngọc Tuấn, ngôi nhà 3 tầng luôn kín cổng cao tường, được trang bị hệ thống giám sát, cảnh báo hiện đại, tự động và Tuấn cũng không hề ra khỏi nhà cũng như tiếp xúc với ai. Với sự tính toán, cẩn trọng và đầy tính bất ngờ, lực lượng phá án khéo léo triệu tập làm việc đối với Phan Ngọc Tuấn tránh đánh động và đối tượng xóa dấu vết, dữ liệu điện tử. Hàng loạt thiết bị công nghệ cao, nhiều tài khoản quản trị các máy chủ trung gian ẩn danh và máy chủ lưu trữ phim đặt tại nước ngoài do Phan Ngọc Tuấn thuê, quản lý đã được các trinh sát Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Quảng Bình khai thác một cách triệt để, khiến đối tượng Tuấn không thể ngờ tới.
Cũng từ đây những tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của Phan Ngọc Tuấn che giấu tinh vi, ẩn trên không gian mạng được bóc mẻ. Thượng úy Cao Đinh Khánh Toàn, Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Nếu không có sự bất ngờ, để đối tượng biết trước thì toàn bộ dữ liệu, tài khoản sẽ bị xóa, những tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng sẽ không còn. Hoặc trinh sát non tay thì khó có thể buộc đối tượng thừa nhận hoặc hợp tác tích cực để làm rõ các đối tượng khác liên quan trong vụ án, bởi tất cả những tài liệu, dữ liệu đều được lưu trữ đám mây trên hệ thống mạng.
Cũng trong thời điểm triệu tập, đấu tranh với Phan Ngọc Tuấn, đồng loạt các tổ công tác phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh, Công an Phú Yên đã triển khai làm việc với các đối tượng liên quan là Tạ Thị Loan (SN 1996, trú tại thôn 2/4 xã Ealy, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), Ngô Quang Huy (SN 2000, trú tại phường 16, Quận 6, TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thành Nhân (SN 1999, trú tại ấp Bình Thuận, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) và Dương Thị Huyền Trân (SN 1984, trú tại phường 5, Quận 8, TP Hồ Chí Minh. Đây là các đối tượng cấp dưới, chi trả tiền quảng cáo.
Lợi nhuận khủng từ phim “lậu”
Bước đầu làm rõ xác định, từ khoảng năm 2019, Phan Ngọc Tuấn tìm mua mã nguồn mẫu của các website trình chiếu phim trên mạng và chỉnh sửa, tạo lập, điều hành 3 website gồm “bilutvt.net”, “tvhayh.org”, “animefull.net” để trình chiếu, phát tán phim mà không được sự cho phép của nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan nhằm thu lợi bất chính qua hình thức quảng cáo trên website. Phan Ngọc Tuấn thuê các máy chủ lưu trữ phim đặt tại nước ngoài, các máy chủ trung gian ẩn danh, các công cụ như điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy tính bàn, mạng cáp quang tốc độ cao...vv… lắp đặt tại nhà riêng.
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, Phan Ngọc Tuấn liên hệ, thuê Ngô Quang Huy, Nguyễn Thành Nhân làm nhân viên cùng thực hiện việc tải, chỉnh sửa, phát tán, trình chiếu trái phép phim. Những nhân viên giúp sức cho Tuấn đều chưa hề gặp mặt và giao ước liên lạc, giao công việc qua mạng xã hội Telegram.
Theo Trung tá Trần Anh Tuấn – Trưởng Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Quảng Bình, mục đích mà đối tượng tạo lập, điều hành các website phát tán phim trái phép là để thu hút lượng lớn người truy cập xem phim. Từ đó, các chủ thể có nhu cầu quảng cáo sẽ liên lệ với Phan Ngọc Tuấn thuê đặt các quảng cáo trên website trình chiếu phim do Tuấn quản lý và nguồn thu lợi bất chính là từ nguồn tiền quảng cáo này.
Qua đấu tranh, bước đầu Phan Ngọc Tuấn khai nhận, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi tháng Tuấn thu được từ khoảng 80 – 100 triệu đồng tiền quảng cáo từ trên các website phát tán “phim lậu” do Tuấn quản lý.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Phan Ngọc Tuấn, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã thu giữ 3 điện thoại di động, 1 máy tính bảng, 1 máy tính xách tay, 2 bộ máy tính bàn, 1 bộ phát wifi tốc độ cao, 3 tài khoản ngân hàng liên quan đến hoạt động phạm tội, 188.322 file phim có dung lượng tổng khoảng 40TB được lưu trữ trái phép cùng nhiều thông tin, tài liệu khác có liên quan.
Đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương đi đầu, sớm phát hiện, đấu tranh, khởi tố thành công các đối tượng phát tán phim trái phép, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, góp phần răn đe các đối tượng đang và có ý định thực hiện phạm tội, giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Nguồn tin: Báo CAND
Ý kiến bạn đọc