Cảnh báo tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi: Đạo đức là nền tảng cốt lõi của người làm báo!

Thứ sáu - 08/12/2023 02:05 550 0
Những tin tức buồn cuối năm về việc công an liên tiếp bắt giữ nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, không thể không khiến những người làm báo trăn trở, đặt ra câu hỏi: "Chúng ta có đang buông lỏng mà quên đi giá trị cốt lõi của nghề báo?".

Chiều ngày 27/11, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Tĩnh vừa khởi tố 3 đối tượng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Được biết, đây là những đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cầm đầu là Lê Danh Tạo, SN 1966, trú tại phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Theo đó, Lê Danh Tạo từng là nhà báo, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí. Điều đáng buồn là đây không phải trường hợp duy nhất, trước đó, đã có nhiều trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí đã bị khởi tố với tội danh tương tự. Những tin tức buồn cuối năm, không thể không khiến những người làm báo trăn trở và đặt ra câu hỏi: Chúng ta có đang buông lỏng mà quên đi giá trị cốt lõi của nghề báo?

canh bao tinh trang loi dung danh nghia nha bao de truc loi dao duc la nen tang cot loi cua nguoi lam bao hinh 1

Những hồi chuông không mới và những con số đau lòng

Chiều 27/11, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Tĩnh vừa khởi tố 3 đối tượng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”. Được biết, đây là những đối tượng lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cầm đầu là Lê Danh Tạo, SN 1966, trú tại phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh.

Theo đó, Lê Danh Tạo từng là nhà báo, cộng tác viên của một số tờ báo, tạp chí. Quá trình hoạt động, đối tượng này quen biết với nhiều CSGT, Thanh tra giao thông trên các tỉnh thành cả nước, đồng thời cũng quen biết với một số nhà xe vận tải hàng hóa đường dài. Phát hiện thấy nhiều lái xe thường mắc các lỗi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên Lê Danh Tạo đã yêu cầu các lái xe này chung chi từ 6 đến 8 triệu đồng/tháng/xe để nhận được “bảo kê” từ Lê Danh Tạo. Tạo cam kết chỉ cần là “xe của Tạo” thì lực lượng chức năng sẽ bỏ qua hoặc nếu bị dừng, kiểm tra thì Tạo sẽ trực tiếp gọi điện can thiệp. Hỗ trợ tích cực cho Lê Danh Tạo hoạt động là Hồ Thị Hải - vợ của Tạo và Hồ Kim Cường (em trai của Hồ Thị Hải) - là cộng tác viên của một tờ báo. Với những hành vi sai phạm, mỗi tháng các đối tượng thu lợi bất chính số tiền trên 1 tỷ đồng.

canh bao tinh trang loi dung danh nghia nha bao de truc loi dao duc la nen tang cot loi cua nguoi lam bao hinh 2

Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, trực tiếp lấy lời khai đối với ông Lê Danh Tạo. Ảnh: Công an Hà Tĩnh

Cũng trong tháng 11, Công an huyện Mộc Châu, Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Kiều (SN 1987) - Phóng viên hợp đồng của Báo Dân tộc và Phát triển, và Hà Văn Bình (SN 1978) - Biên tập viên hợp đồng của kênh tin tức 24h Pháp luật và Đời sống, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai đối tượng vào nhà dân, tự giới thiệu là cán bộ phòng Tài nguyên - Môi trường và “xin 5 triệu đồng” về làm quà cho lãnh đạo. 

Trước đó vào cuối tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị này đang tạm giữ hình sự Nguyễn Tiến Khoa (53 tuổi, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam) để điều tra, làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, trong quá trình tác nghiệp trên địa bàn huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, Nguyễn Tiến Khoa đã nhiều lần gọi điện thoại và đe doạ một người dân trên địa bàn để chiếm đoạt 52 triệu đồng.

Vào tháng 9/2023, TAND TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tuyên phạt 21 tháng tù giam về tội “cưỡng đoạt tài sản” với Lê Toàn. Theo đó, khi đang là phóng viên một tờ tạp chí, Toàn đã ép doanh nghiệp ở Quảng Bình chung chi 50 triệu đồng, nếu không sẽ viết bài đăng báo.

Chỉ trong một thời gian ngắn, những vụ việc phóng viên bị bắt, bị khởi tố vì hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cá nhân liên tiếp xảy ra. Đây là thực tế đáng buồn khi có những người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bỏ qua mọi tôn chỉ, mục đích và sứ mệnh của ngành báo chí, bất chấp tất cả để kiếm tiền, có những hành vi nhũng nhiễu, tống tiền tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. 

Theo thống kê mới nhất của Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, đến nay đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm. Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên. Trong đó, nhà báo, phóng viên thường có vi phạm về cưỡng đoạt tài sản. Các chuyên gia nhận định đó là những con số đau lòng, song, con số này cũng chưa phản ánh hết những “góc khuất” trong hoạt động báo chí hiện nay.

Áp lực kinh tế khiến nhà báo sa ngã?

Nhắc đến thực trạng khó khăn của các cơ quan báo chí trong thời điểm hiện tại, nhà báo Tạ Bích Loan – Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí VTV3 cho biết, các cơ quan báo chí đang phải oằn mình chống chọi với các nền tảng mạng xã hội cũng như những nền tảng số khác, kéo đến 70 - 80% doanh thu báo chí bị mất đi. Báo chí trong nước đang phải cố gắng chia nhau thị phần ít ỏi còn lại. “VTV năm nay mất 30% quảng cáo - một con số rất lớn” - nhà báo Tạ Bích Loan thông tin.

Thực tế cho thấy, chi đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước. Nhiều cơ quan chủ quản thậm chí không những không giúp gì về nguồn lực tài chính để hoạt động, ngược lại còn áp đặt cơ quan báo chí phải có một số khoản đóng góp để bổ sung chi hoạt động của cơ quan chủ quản. Câu chuyện về kinh tế với đầy rẫy những áp lực được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những sai phạm của báo chí trong thời gian qua.

Theo nhà báo Tạ Bích Loan, thống kê cho thấy đại đa số sai phạm nằm ở các tạp chí. Tạp chí nào có chữ “doanh nghiệp”, “môi trường”, “pháp luật”, “xây dựng” thường xảy ra nhiều sai phạm. Và đến khi xử lý, thì ở đơn vị nào cũng có cùng một văn bản nói rằng phóng viên hay cộng tác viên đó đã được cho nghỉ việc - như là một công thức văn bản chung hay như 1 tấm “bùa” hoá phép khi các cơ quan chức năng yêu cầu báo cáo sai phạm.

canh bao tinh trang loi dung danh nghia nha bao de truc loi dao duc la nen tang cot loi cua nguoi lam bao hinh 3

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhận định, hiện nay, do cơ chế tự chủ nên không ít các tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết. Một hiện tượng phát sinh từ việc lợi dụng cơ chế tự chủ là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành “xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa “nuôi sống tòa soạn”. Hiện tượng này gọi là “báo hóa tạp chí” gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín các nhà báo chân chính, làm xã hội hiểu sai lệch vai trò của báo chí. 

Đạo đức là cốt lõi nền tảng của nhà báo

Ở Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016 gắn liền với vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam. Tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Báo chí quy định: Hội Nhà báo Việt Nam “Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo”. Tháng 12/2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp. Quy định này không chỉ khẳng định đạo đức nghề nghiệp là yếu tố hết sức quan trọng đối với mỗi người làm báo, tạo ra hành lang pháp lý đối với người làm báo trong quá trình tác nghiệp mà còn khẳng định yếu tố đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, không phân biệt giữa người làm báo có Thẻ Nhà báo, hay người làm báo không có Thẻ Nhà báo.

Trả lời phỏng vấn của báo chí, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã nhận định, báo chí là loại hình đặc thù, uy tín của tờ báo và uy tín của từng nhà báo tổng hoà mới tạo nên được “niềm tin” của độc giả, của khán thính giả.

Do sự phát triển của xã hội, của công nghệ nhiều cơ quan báo chí đã vội vã đăng tải những thông tin không chính xác; do khó khăn trong hoạt động tác nghiệp, nhiều phóng viên nhà báo đã có hành vi sai trái làm mất niềm tin của độc giả thậm chí vi phạm pháp luật. Có những tờ báo hoạt động sai lệch bị rút giấy phép phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động. Những sự việc đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.

Thực trạng đáng buồn khi không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vun vén lợi ích cá nhân.  Không ít người làm báo bị “bẻ cong” ngòi bút, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý…. 

Theo ông Lê Quốc Minh, không thể lấy sự khó khăn về tài chính, về cơ chế để biện minh cho những sai trái của các cơ quan báo chí hay cá nhân nhà báo. Có một số hiện tượng lấy danh nghĩa là đấu tranh chống tham nhũng nhưng để trục lợi cá nhân, hoặc lợi dụng sai sót của doanh nghiệp, của địa phương, thậm chí của người dân để gây khó khăn, kiếm nguồn thu bất chính vào túi riêng. “Vấn đề đạo đức nghề nghiệp ở tất cả các ngành nghề đều quan trọng, nhưng riêng trong lĩnh vực báo chí thì nó còn quan trọng hơn rất nhiều” - ông Minh khẳng định.

Lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi hoạt động báo chí, như một số nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi trục lợi. Trên thực tế, không ít nhà báo lợi dụng quyền hạn để làm những việc trái pháp luật. Đó là những hành vi lợi dụng danh nghĩa nhà báo để tống tiền các doanh nghiệp, đe dọa các cá nhân có vị trí công tác có những việc làm không minh bạch, hay có hành vi lừa đảo người dân và các tổ chức… Sự xói mòn của đạo đức nghề nghiệp báo chí và suy thoái của người làm báo đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ người làm báo vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh với giá rẻ.

Thực tế cho thấy, sai phạm của một cá nhân người làm báo đều liên đới đến cơ quan báo chí mà trực tiếp là những người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành tờ báo đó. Khi xử lý một sai phạm trên báo chí, người chịu trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên trước pháp luật, trước xã hội là người đứng đầu, quản lý đơn vị báo chí; sau đó là những người liên quan, người trực tiếp gây ra sai phạm.

Vì vậy, xây dựng đạo đức nghề nghiệp báo chí và phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hoạt động báo chí là xây dựng đạo đức, cách hành nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí để đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối luôn đúng tôn chỉ, mục đích. Nếu lãnh đạo cơ quan chủ quản báo chí nêu cao trách nhiệm trong tổ chức, quản lý để bảo đảm tờ báo, trang tin hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và chịu trách nhiệm trước sai phạm, thì mỗi người làm báo cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình. Hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, sự say mê nghề nghiệp và khả năng thâm nhập cuộc sống.

Có thể nói, công tác đấu tranh với nhận thức sai lệch cần được triển khai mạnh mẽ để khẳng định rằng, báo chí Việt Nam có vai trò, vị trí quan trọng nhưng không bao giờ được cho đó là quyền lực để gây nên những hành vi sai trái. Và, dù nó có quyền thì quyền ấy chính là quyền “phò chính, trừ tà”, như đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Những người làm báo phải có trách nhiệm góp phần xây dựng một nền báo chí xanh, lành mạnh tích cực, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với nền Báo chí Cách mạng. Cần xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam luôn giữ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

Tác giả: Khánh An

Nguồn tin: Nhà báo và Công luận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây