Người dân chỉ nên đầu tư vào các sàn giao dịch được cấp phép bởi Nhà nước

Thứ năm - 21/03/2024 00:18 130 0
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) khuyến cáo người dân cảnh giác, không tham gia các ứng dụng đầu tư tài chính, các sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, có tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo để có thể tự bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính đang “bủa vây” trên không gian mạng.

Theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số; mua-bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối với lãi suất cao gấp nhiều lần và cam kết hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tại Việt Nam hiện có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số trong khi Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng nói là số nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tiền ảo tại Việt Nam có thể chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an một số tỉnh, thành phố đã liên tiếp nhận đơn trình báo của người dân về việc bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Cá biệt, có nạn nhân bị lừa nhiều nhất tới 57 tỷ đồng.

lua-dao-truc-tuyen0.jpg -0
Người dân cần cẩn trọng trước lời mời gọi đầu tư tài chính qua mạng. Ảnh minh họa.

Theo lời kể của chị T ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), chị có tham gia ứng dụng hẹn hò Tinder và quen một người đàn ông giới thiệu là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại Singapore. Sau khi tạo niềm tin với chị T, người này mời chị tham gia chơi tiền ảo. Lần đầu chị T nạp 20 triệu đồng và ngay lập tức được rút ra 30 triệu đồng. Chị T tiếp tục nạp 266 triệu đồng và rút ra được 304 triệu đồng. Sau 2 lần nạp tiền, chị T đã thu về lợi nhuận 48 triệu đồng, lãi 16,8% số tiền gốc chị bỏ ra trong vòng 2 ngày. Chị tiếp tục nạp 300 triệu đồng thì được thông báo “tài khoản thắng 10,1 tỷ đồng” nhưng không rút được tiền ra.

Hệ thống thông báo “phải nộp 20% lợi nhuận thuế thu nhập cá nhân”. Chị T đã nộp 1,7 tỷ đồng tiền tiền thuế thu nhập cá nhân, 2 tỷ tiền xác minh tài khoản để rút được tiền về và 1,4 tỷ để tham gia kênh rút tiền nhanh. Tuy nhiên, chị vẫn không rút được tiền ra. Chỉ trong vòng 5 ngày, chị T đã chuyển cho các đối tượng số tiền 5,4 tỷ đồng. Sau khi biết mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan Công an trình báo.

Anh H ở quận Hà Đông (Hà Nội), nạn nhân tham gia đầu tư tài chính trên ứng dụng app VN-Temu cho biết: Thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội, anh và nhiều nạn nhân được giới thiệu đầu tư vào một doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Du lịch Việt Nam Easy Tour. Chỉ cần gửi 10 triệu đồng trong vòng 14 ngày, nhà đầu tư sẽ nhận khoản lãi 896.000 đồng, tương đương lãi suất 20%/tháng hoặc 240%/năm. Sau vài lần gửi tiền đầu tư và nhận lãi thì đến đầu năm 2024, ứng dụng này “đột nhiên” biến mất để lại hàng trăm nạn nhân với tổng số tiền bị mất ước tính lên đến hàng chục tỷ đồng.

Cục An toàn thông tin đã liệt kê một số phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên quan đến đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền mã hóa phổ biến mà người dân cần cảnh giác gồm: Kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân.

Về thủ đoạn, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng phương thức đầu tư tài chính dựa trên mô hình kinh doanh đa cấp. Các sàn này đều được quảng cáo là có nguồn gốc từ nước ngoài, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao, an toàn, có thể rút vốn bất cứ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian. Chính vì thế, các đối tượng đã thu hút được rất nhiều người tham gia. Để tạo “uy tín”, thời gian đầu chúng trả hoa hồng cho các nhà đầu tư rất đúng hạn. Khi nạn nhân chuyển số tiền lớn thì các app bị sập và biến mất.

“Dù chiêu trò của các đối tượng lừa đảo dù không mới nhưng rất tinh vi nên nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Sau khi thiết lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, các đối tượng giao cho đội ngũ nhân viên gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia vào nhóm, các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tiền của người tham gia. Mục đích cuối cùng là nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư”, Cục An toàn thông tin lưu ý.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng. Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư.

Đồng thời, người dân cũng cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư; nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Trong trường hợp gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan Công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Nguồn tin: Báo CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây