SOS: Vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao nhận hàng nhanh

Chủ nhật - 14/08/2022 21:24 3.610 0
Thời gian gần đây, nhiều vụ mua bán ma túy đã bị Cơ quan công an phát hiện qua hình thức dịch vụ giao nhận hàng nhanh. Các vụ việc được phát hiện trong tình trạng hiện nay dịch vụ giao hàng nhanh đang phát triển mạnh và việc kiểm tra hàng hóa trước khi vận chuyện lại khá sơ sài... Phương thức, thủ đoạn phạm tội mới này của các đối tượng đang đặt ra nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, triệt phá...

Ngụy trang ma túy để gửi qua shipper

Mấy ngày qua, Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh đã lên tiếng cảnh báo thủ đoạn ngụy trang ma túy của tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn bằng phương thức mới.

Theo đó, ngày 5-8, Công an quận 1 cho biết vừa phát hiện, làm rõ các vụ giao dịchma túy trên địa bàn được ngụy trang theo dạng đóng gói bao bì các loại tinh dầu, gói bánh mì, trà, cà phê, bỏ vào loa thùng... nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Cụ thể, vào tháng 7- 2022, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 1 phối hợp Công an phường Cầu Kho đã phát hiện 600 viên ma túy tổng hợp và số lượng lớn ma túy đá, Ketamine được các đối tượng ngụy trang trong hộp đựng tinh dầu.

SOS: Vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao nhận hàng nhanh -0
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 1 thu giữ nhiều tang vật vụ án.

Công an quận 1 cho hay, để qua mặt cơ quan chức năng, các đối tượng đã bỏ ma túy vào hộp giấy đựng tinh dầu, cố định bằng các cục pin và đánh dấu các ký hiệu đặc biệt trên các hộp giấy để xác định loại, số lượng ma túy, khi có khách đặt mua ma túy. Sau đó, chúng gửi shipper (nhân viên giao hàng) đi giao cho khách và ghi nội dung đơn hàng là tinh dầu để không bị chú ý.

Các đối tượng khai nhận đã nhiều lần mua bán ma túy thông qua hình thức gửi hàng qua các ứng dụng giao hàng Grab, GoViet...

Cùng thời điểm trên, Công an phường Cô Giang phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an quận 1 tiếp tục phát hiện 1 gói nylon chứa 0,8286 gram ma túy thể rắn và 2 viên ma túy tổng hợp được đối tượng bỏ vào túi nylon, quấn băng màu vàng rồi bỏ lẫn vào bên trong gói bánh. Sau đó, đối tượng đặt ứng dụng giao hàng Grab để giao gói bánh trên cho một đối tượng khác thì bị tài xế công nghệ Grab nghi ngờ, trình báo Cơ quan công an...

Trước đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Công an quận Bình Tân phát hiện Lê Minh Nhựt (19 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre, thuê trọ tại quận Bình Tân) cùng hai người khác là Trần Văn Bình (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Tiền Giang) và Nguyễn Trần Bảo Châu (sinh năm 2004, ngụ quận Tân Phú) tham gia nhóm Zalo để mua bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng liên lạc giao dịch qua Zalo và tài khoản ngân hàng.

SOS: Vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao nhận hàng nhanh -0
Đối tượng Nguyễn Quốc Nam khai nhận đặt mua ma túy đá từ TP Hồ Chí Minh thông qua dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải về TP Rạch Giá, Kiên Giang.

Nhằm né tránh sự theo dõi của công an, Nhựt đã ngụy trang ma túy vào các hộp dầu gội đầu rồi gọi taxi công nghệ nhờ giao cho khách. Theo quy định, tài xế taxi chỉ được vận chuyển người, không được chuyển hàng hóa nhưng do muốn kiếm thêm thu nhập và không nhận thức được hàng hóa vận chuyển là ma túy nên các tài xế taxi vẫn nhận chuyển hàng.

Nhựt bị cơ quan điều tra bắt quả tang khi đang giao gần 8 gram Ketamine và 15 viên thuốc lắc được ngụy trang trong các hộp dầu gội đầu cho tài xế taxi công nghệ đi đưa cho khách. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an thu giữ gần 6,5 gram ma túy và 105 viên thuốc lắc...

Tương tự, đối tượng Nguyễn Quốc Nam (sinh năm 1993, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cũng đặt mua ma túy đá từ một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh thông qua dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe tải mang về TP Rạch Giá  (Kiên Giang).

Hành vi của Nam bị phát hiện khi tổ tuần tra kiểm soát, đảm bảo an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm của Công an tỉnh Kiên Giang kiểm tra hành chính lúc Nam đang chạy xe máy trên đường Quang Trung (phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá).

Qua đó, tổ công tác phát hiện trong túi quần của Nam cất giấu 1 bịch nylon, bên trong có hạt tinh thể màu trắng, trọng lượng khoảng 20 gram nghi là ma túy tổng hợp nên tiến hành tạm giữ.

Tại Cơ quan công an, Nam khai nhận bản thân là con nghiện, tìm mua ma túy đá về bán lại cho các con nghiện khác để kiếm lời và để sử dụng, thỏa mãn cơn nghiện.

Bịch nylon có chứa các hạt tinh thể màu trắng Cơ quan công an phát hiện chính là ma  túy đá được Nam đặt mua với giá 9 triệu đồng của một đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và được gửi về Rạch Giá thông qua dịch vụ giao hàng hóa bằng xe tải.

Nam là đối tượng đã có 2 tiền án về tội mua bán và tàng trữ ma túy, vừa mới ra tù thì tái phạm. Tổ tuần tra đã bàn giao đối tượng và tang vật cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Rạch Giá để điều tra và xử lý theo thẩm quyền...

Theo một cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an, trước đây, tội phạm thường chuyển “hàng” qua đường bưu điện, đường hàng không nhưng thủ đoạn vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao hàng nhanh lại xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Cơ quan công an đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ án với thủ đoạn tương tự, thậm chí ma mãnh hơn.

Để không trở thành người vô tình tiếp tay cho tội phạm

Thực tế hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ và xu hướng mua sắm online, nghề giao nhận hàng hay còn gọi là nghề shipper đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Chuyện các đối tượng xấu lợi dụng dịch vụ giao hàng để vận chuyển hàng cấm là điều dễ xảy ra và thực tế đã xảy ra. Các công ty giao hàng, shipper rất có thể một ngày nào đó cũng là nạn nhân của việc này.

Bằng thực tế của bản thân, không ít lần chính phóng viên đã gửi các gói hàng bằng dịch vụ giao hàng qua ứng dụng giao hàng nhanh trên điện thoại. Trong đó, ứng dụng chỉ yêu cầu kê khai danh mục hàng hóa bao gồm: Thực phẩm, quần áo, đồ điện tử, đồ dễ vỡ và trọng lượng ước tính của gói hàng. Khi đến nhận hàng để vận chuyển, shipper cũng chỉ nhìn lướt qua, nhận phí rồi chuyển gói hàng đến điểm giao hàng mà phóng viên đã đặt trước đó.

SOS: Vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao nhận hàng nhanh -0
Tội phạm ma túy lợi dụng shipper để buôn bán ma túy (ảnh minh họa).

Theo các shipper, việc gửi hàng trách nhiệm chính thuộc về người gửi, do người gửi đã kê khai mặt hàng trong ứng dụng khi đặt hàng. Nếu là hàng cấm, người gửi phải chịu trách nhiệm chứ shipper chỉ chuyển theo dịch vụ, không chịu trách nhiệm. Hơn nữa, một ngày có hàng trăm gói hàng, kiện hàng được gửi đi, nếu kiện hàng nào cũng mở ra kiểm tra, shipper sẽ không đủ thời gian để kiểm tra và việc này có thể sẽ khiến khách hàng khó chịu, phiền lòng, không sử dụng dịch vụ nữa...

Theo khảo sát của phóng viên, hiện có rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ giao hàng nhanh với quy trình kiểm tra hàng hóa vận chuyển như nêu trên. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hơn 60% người dân Việt Nam tiếp cận Internet, 98% trong đó đang mua hàng qua mạng. Dịch vụ giao nhận tại các đô thị lớn của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, bởi thế ngày càng nở rộ.

Không chỉ những “ông lớn” về dịch vụ chuyển phát như Viettel Post, EMS, VNPost, mà các công ty start-up (giaohan[1]gnhanh, supership, giaohang[1]tietkiem) và những doanh nghiệp nước ngoài (Grab, Now, Baemin, Lalamove) cũng nhảy vào chiếm lĩnh thị trường tiềm năng này. Mỗi công ty, doanh nghiệp lại thu hút hàng chục nghìn lao động làm nghề giao nhận hàng.

Theo các shipper, nhiều đơn hàng khách có thể ứng trước tiền hoặc không ứng tiền nhưng bọc gói rất cẩn thận, rất khó để kiểm tra được đó là hàng gì. Nếu trong đó là hàng cấm, ma túy hay chất gây cháy nổ, shipper sẽ dễ dàng trở thành người vô tình tiếp tay cho tội phạm. Lợi dụng sự phát triển rất nhanh chóng, phủ sóng rộng khắp của các trang thương mại điện tử, hiện nay tội phạm ma túy coi đây như một kênh thông tin, mua bán, giao dịch ma túy tương đối hiệu quả.

Các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram để quảng cáo, rao bán các chất ma túy, phổ biến nhất là cần sa. Chúng đăng thông tin quảng cáo mua bán tiền chất ma túy, ngụy trang bài đăng bằng tên các loại thuốc nhằm tránh sự kiểm duyệt của các trang thương mại điện tử.

Khi có người liên hệ thông qua hệ thống tin nhắn trên các trang này, các đối tượng sẽ không trực tiếp trả lời các nội dung liên quan đến việc giao dịch để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Chúng sẽ yêu cầu người mua liên hệ qua ứng dụng Messenger (ứng dụng nhắn tin trực tiếp của Facebook) hoặc chuyển sang một ứng dụng OTT khác như Zalo, Viber, Line... và việc giao dịch cũng được thực hiện qua các ứng dụng này.

Sau khi đã thống nhất, các đối tượng sẽ chuyển hàng đến cho người mua bằng hình thức đóng gói, ngụy trang dưới dạng các sản phẩm như thực phẩm, hàng lưu niệm rồi dán kín, chuyển hàng bằng các dịch vụ vận chuyển đang sẵn có...

SOS: Vận chuyển ma túy qua dịch vụ giao nhận hàng nhanh -0
Đối tượng Lê Minh Nhựt, Trần Văn Bình và Nguyễn Trần Bảo Châu cùng tang vật.

Về mặt pháp lý, theo Bộ luật Hình sự 2015, quy định một số tội danh để xử lý hành vi giao hàng cấm đó là: Tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm” (Điều 191); tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” (Điều 250); tội “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ” (Điều 305)...Nếu bị phát hiện vận chuyển hàng cấm, người giao hàng sẽ bị Cơ quan công an tiến hành xác minh, lấy lời khai và điều tra. Căn cứ vào kết quả điều tra và xác minh của cơ quan điều tra, nếu người vận chuyển được chứng minh là hoàn toàn không biết về số hàng cấm đã vận chuyển và chỉ đơn thuần là người vận chuyển theo yêu cầu của người khác thì người giao hàng có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, Cơ quan công an phát hiện người vận chuyển có liên quan đến việc giao nhận hàng cấm hoặc không có chứng cứ cho thấy là không biết về việc có hàng cấm thì người vận chuyển có thể sẽ bị xử lý hình sự. Theo đó, tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy” có nhiều khung hình phạt, tùy tội trạng và số lượng ma túy vận chuyển...

Như vậy, có thể thấy nếu bị xử lý hình sự với một trong các tội về giao hàng cấm thì ship[1]per có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù... Do đó, khi vận chuyển hàng hóa cho khách hàng, shipper cần lưu ý kiểm tra hàng hóa thật cẩn thận để tránh gặp phải tình huống bị lừa giao hàng cấm.

Liên quan đến vấn đề này, theo Nghị định 47/2022 của Chính phủ, từ ngày 1-9-2022, khi muốn gửi hàng hóa trên xe khách thì người gửi phải cung cấp các thông tin về tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận... cho tài xế, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có). Việc này nhằm góp phần kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa, loại bỏ vận chuyển các loại hàng hóa không có nguồn gốc, hàng cấm...

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây