Cựu giảng viên vẫy vùng giữa "vũng lầy"
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Hải Hà (SN 1975, thường trú tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) về hành vi "Hủy hoại tài sản".
Với những người bạn thời học sinh phổ thông và sinh viên đại học, ít ai có thể nghĩ Hà lại có thể trở thành kẻ "mặt đầy tiền án, trán đầy tiền sự". Sinh ra trong một gia đình cơ bản, có nhiều người làm giảng viên, giáo viên, cán bộ công chức nhà nước. Lực học cũng khá, Hà từng gặt hái được nhiều thành tích thời sinh viên. Tốt nghiệp, Hà được tuyển làm giảng viên tại một Học viện.
Nhưng mới chân ướt chân ráo đi làm được một thời gian, Hà gây ra một vụ "ì xèo", ảnh hưởng đến đơn vị anh ta đang công tác nên đã bị thải hồi. Có lẽ tư tưởng bất mãn nảy sinh từ đây. Hà sinh ra thù ghét tất cả. Thế rồi Hà liên tiếp gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản, bị phạt tù. Cứ ra tù được một thời gian, Hà lại gây án, hết "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cho đến "Gây rối trật tự công cộng", "Cố ý gây thương tích"...
Sau nhiều lần vào tù ra khám, Hà đã không còn nét nào của một "giảng viên" nữa. Anh ta thường xuyên gây gổ với người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng... Tháng 5-2022, Hà đã dùng xăng đốt nhà ông Nguyễn Đình Nghì (trú tại tổ dân phố Ngọa Long 1, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nguyên nhân là do… 20 năm trước, hai bên có mâu thuẫn trong việc mua bán đất (mà lỗi trước hết là của Hà). Năm 2021 Hà nhớ lại mối thù này và đã rắp tâm "tiêu diệt".
Theo lời kể của bị hại, năm 2002, ông Nghì có giới thiệu cho Hà mua một mảnh đất ở cổng làng Văn Trì, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) với giá 675 triệu đồng. Hà đã đưa cho ông Nghì 200 triệu đồng, sau đó làm giả giấy biên nhận là đã đưa hết tiền cho ông Nghì; đồng thời, viết đơn kiện về việc đã trả hết tiền nhưng ông Nghì không giao đất cho Hà.
Vụ việc sau đó đã được Cơ quan CSĐT Công an huyện Từ Liêm (cũ) điều tra, kết luận giấy tờ mà Hà đưa ra là giả. Hà xin lỗi và đề nghị ông Nghì rút đơn không đề nghị xử lý. Ông Nghì đã làm theo đúng như vậy.
Lấy oán trả ơn, năm 2006, Hà nộp đơn ra TAND huyện Từ Liêm khởi kiện ông Nghì để đòi lại số tiền 200 triệu đồng và ông Nghì đã trả lại số tiền này. Cứ nghĩ rằng mọi việc đã xong xuôi, chẳng ngờ đầu năm 2021, Hà nảy sinh ý định trả thù ông Nghì. Sau khi tìm hiểu, biết được nhà ông Nghì mở quán bia hơi, đêm 17-5-2022, Hà quyết định hành động. Sau khi đổi biển số chiếc xe máy, cẩn thận che thêm chiếc khẩu trang ra bên ngoài, Hà lấy xăng và cầm theo một chiếc bật lửa đến nơi ở của ông Nghì. Trước khi hành động, gã còn quan sát thêm vài lần nữa rồi mới đổ xăng châm lửa đốt. Chỉ đến khi thấy ngọn lửa bùng lên thì Hà mới bỏ chạy. Rất may đám cháy được người dân kịp thời dập tắt, và không có thiệt hại về người. Hà nhanh chóng bị Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện, bắt giữ.
Nhưng ngay cả với những người trong gia đình, lâu nay Hà đã trở thành "hung thần" với những hành vi táng tận lương tâm, không thể nào chấp nhận.
Người bác ruột của Hà (tên Thục) từng nhiều lần làm đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đứa cháu bất nhân. Theo lời người bác ruột thì từ khi đi tù về (khoảng năm 2006), tính khí Hà rất khác thường, luôn tỏ ra bất mãn. Khi người chú ruột (ông Thọ) chuyển từ Phúc Yên (Vĩnh Phúc) về quê (huyện Mê Linh, Hà Nội) sinh sống, Hà liên tục từ Hà Nội về quê vô cớ gây sự, chửi bới chú, bác ruột của mình.
"Bố mẹ tôi có miếng đất hơn 1.000m2, trước khi các cụ mất có làm di chúc chia cho các con. Tôi là anh cả được chia cho 200m2, bố đẻ của Hà được chia nhiều nhất 900m2, sau đó di chúc cho hai con. Còn ông Thọ được chia hơn 200m2. Sau khi về quê, ông Thọ xây căn nhà hai tầng trên miếng đất đó. Thấy vậy, Hà vô cơ chửi bới với lý do... dám xây nhà to hơn nhà Hà", ông Thục kể.
Không chỉ chửi bới, đe dọa, Hà còn ném gạch, đá vào nhà ông Thục và ông Thọ, rồi đánh anh Nguyễn Văn Phúc (em họ của Hà) phải nhập viện điều trị. Chưa hết, Hà còn đánh bà Gia Thị Chúc (vợ ông Thọ, thím của Hà) phải khâu ở đầu và nằm viện hàng chục ngày. Tại địa phương, Hà thuộc dạng "đầu gấu đầu mèo", chuyên gây sự với tất cả mọi người, kể cả lực lượng chức năng của xã. Do gây thương tích cho người thân mà Hà phải lĩnh bản án 18 tháng tù giam.
Trở lại vụ án Hủy hoại tài sản tại quận Bắc Từ Liêm, Thượng tá Nguyễn Bình Ngọc - Phó trưởng Công an quận đánh giá, đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng. Đối tượng đã lên kế hoạch gây án trong thời gian dài, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm che giấu hành vi phạm tội.
“Hành vi của đối tượng thể hiện tính manh động, coi thường pháp luật, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương. Việc đối tượng dùng xăng đốt hủy hoại tài sản có khả năng dẫn đến chết người. Đối tượng lại là kẻ có thân nhân xấu, nhiều tiền án tiền sự nên Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm khắc".
Tiến sỹ Luật "chạy án"
Cách đây ít năm Cơ quan cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã phá vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Chống người thi hành công vụ”, “Lừa đảo”, “Môi giới hối lộ”, “Không tố giác tội phạm”, “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, “Giết người” xảy ra ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh... do Vũ Ngọc Sơn cầm đầu cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy.
Đặc biệt trong vụ án này Nguyễn Thế Quyền - Tiến sĩ luật, cựu giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Thương mại Hà Nội đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng; "vẽ đường" cho nhiều đối tượng mua bán trái phép chất ma túy "chạy án".
Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 9 tội danh, có 43 đối tượng bị khởi tố với số lượng hàng trăm bánh heroin, hàng nghìn viên ma túy tổng hợp.
Theo điều tra, Dương Ngô Sơn (trú tại Bắc Giang - là thợ xây dựng) thông qua một số quan hệ đã nhờ Quyền chạy án cho bị can Nguyễn Thị Thịnh. Trước đó, Sơn nói với bà Bùi Thị G. (mẹ của bị can Thịnh) rằng có mối quan hệ với một số người có thể "chạy án" cho con bà G. nhẹ tội và đòi phải chi phí hết 3 tỷ đồng. Bà G. đồng ý. Sơn cùng với Trần Quang Nho lên Hà Nội gặp ông Quyền để đặt vấn đề.
Sau khi nhận tiền từ các đối tượng, Quyền đã gặp một số cán bộ của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang để bàn cách thực hiện "hợp đồng" với Sơn và Nho. Bằng thủ đoạn làm giả giấy tờ mua bán xe ôtô với bị can Thịnh trước thời điểm Thịnh bị bắt giữ; đồng thời tìm người đứng ra nhận số tiền tang vật 5,6 tỷ đồng là khoản tiền mà trước đó đưa cho chị gái Thịnh nhờ mua đất, không phải là tang vật vụ án.
Những thủ đoạn ngụy tạo trên đã được thông tin vào nhà giam cho bị can Thịnh để thông cung. Qua mỗi "cầu", số tiền chạy án lại được nâng lên.
Cơ quan điều tra kết luận Dương Ngô Sơn và Trần Quang Nho thông qua môi giới hối lộ đã chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng; Nguyễn Thế Quyền chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng… Vị Tiến sỹ Luật sau đó đã phải nhận bản án nghiêm khắc về hành vi “Môi giới hối lộ”.
Theo Trung tá Lê Minh Hải - Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thì sau gần 20 năm công tác tại phòng CSHS, anh và đồng đội đã phá nhiều vụ án mà đối tượng gây án là trí thức trẻ, Thạc sỹ Công nghệ thông tin, từng du học ở nước ngoài.
Một trong số đó là Nguyễn Hoàng Anh - là thạc sĩ tự động hóa tại Nga, Giám đốc Công ty Thương mại du lịch Khánh Đạt. Được sang Nga du học với mức học bổng toàn phần nhưng Hoàng Anh đã cùng một nhóm đối tượng tổ chức trộm cắp tiền từ nhiều tài khoản thẻ tín dụng ở Mỹ rồi đặt phòng khách sạn, nhằm rút tiền ra chia nhau. Số tiền nhóm này chiếm đoạt của bị hại lên đến hơn 1,4 tỷ đồng.
Hay như mới đây nhất, Trần Bá Phan - một kỹ sư CNTT có bằng thạc sỹ ở nước ngoài - lại tham gia vào được dây cho vay và thu nợ theo kiểu "khủng bố" của ông trùm người Trung Quốc. Phan và đồng bọn đã sử dụng nhiều sim rác để dùng các biện pháp đòi nợ hết sức "hạ lưu" như liên tục chửi bới, xúc phạm danh dự của con nợ và của những bạn bè đồng nghiệp. Thậm chí cả những người tình cờ quen biết con nợ, không có mối quan hệ gì với con nợ cũng bị các đối tượng khủng bố tinh thần để đòi nợ.
Theo một chuyên gia tâm lý tội phạm, với mỗi người dân dù có học hay ít học thì luôn có những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình cũng như mối quan hệ công việc, xã hội. Và khi không kiểm soát được hành vi, trí thức cũng có thể gây ra những vụ việc để lại hậu quả nghiêm trọng, phải bị xử lý hình sự. Thậm chí, có những trí thức trước khi thực hiện hành vi phạm tội còn có sự chuẩn bị, đối phó tinh vi trước cơ quan điều tra. Sau khi gây án thì có những hành động phi tang, xóa dấu vết nhằm che giấu tội phạm.
Dù vậy, khi đã vi phạm pháp luật thì dù là ai đều phải xử lý. Thậm chí, những đối tượng có học vấn cao đôi khi còn phải xử nghiêm khắc hơn.
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân
Ý kiến bạn đọc