Tại buổi tọa đàm “Tiêu chuẩn an toàn thông tin mạng cơ bản cho camera giám sát” do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Báo VietNamNet tổ chức tại Hà Nội ngày 22/5, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, hiện nay trên thị trường Việt Nam và nhiều nước khác, hầu hết camera đều có xuất xứ Trung Quốc.
Theo thống kê của các doanh nghiệp, năm 2023, doanh thu thị trường camera giám sát tại Việt Nam là 175 triệu USD, tương ứng 6 triệu camera. Hiện ước tính có 15 triệu camera đang sử dụng. Tuy nhiên, 90% camera giám sát tại Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số dòng camera hoạt động theo cơ chế cloud (đám mây), kết nối máy chủ “server” đặt tại nước ngoài.
Người dùng ở Việt Nam phải “vòng” qua server này trước khi kết nối vào camera. Việc thông tin đi vòng qua cloud của các hãng đặt ở nước ngoài dẫn tới rủi ro về an toàn thông tin. Thông tin cá nhân qua bước trung gian khi không có các cơ chế bảo mật sẽ gây rủi ro cho người dùng. Thông tin cá nhân và các hành vi riêng tư có thể bị công khai khi kênh truyền bị chặn hoặc server bị tấn công.
Bên cạnh đó, không loại trừ thông tin cá nhân sẽ bị khai thác mà không có sự xin phép. Đặc biệt, trong bối cảnh camera giám sát ngày càng phổ biến tại Việt Nam, không chỉ ở các hộ gia đình mà còn là thành phần quan trọng trong hệ thống Chính phủ điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh thì việc camera giám sát nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn, sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh quốc gia.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT cho hay, người dân thường sử dụng camera không rõ nguồn gốc, có nguy cơ mất an toàn thông tin. Lý do là các thiết bị tuy nhìn rất đơn giản nhưng có thể là thiết bị gián điệp, có hệ điều hành, có phần mềm, có ghi âm, có hình ảnh, có thể gửi các thông tin của người dùng ra ngoài và nguy cơ mất an toàn rất nghiêm trọng, cần phải kiểm soát.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho biết, trên thế giới đã có những vụ tấn công vào camera rất lớn. Ở Việt Nam, tuy chưa ghi nhận vụ việc lớn nhưng tình trạng nguy cơ mất an toàn thông tin từ camera lại rất đáng báo động. Đơn cử như vào năm 2014, có khoảng 1.000 camera tại Việt Nam bị lộ lọt dữ liệu, trong số này có rất nhiều camera đặt tại các vị trí công cộng. Năm 2020, số camera không đổi mật khẩu khi sử dụng chiếm 70% và gần đây là việc hacker rao bán thông tin truy cập camera giám sát. Vì vậy, việc ban hành các tiêu chuẩn cho camera giám sát và chủ động sản xuất camera Make in Vietnam là nhu cầu cấp thiết để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Việt Nam.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ TT&TT cho biết: Mới đây, Bộ TT&TT đã đưa ra tiêu chí bảo đảm an toàn thông tin dữ liệu người sử dụng cho camera giám sát. Cụ thể, bảo vệ dữ liệu cá nhân thiết bị camera và các dịch vụ liên kết có tối thiểu tính năng cho phép thiết lập, cấu hình địa điểm tại Việt Nam đối với việc xử lý, lưu trữ và khai thác dữ liệu (như trên thẻ nhớ, thiết bị ngoại vi, dịch vụ điện toán đám mây đặt tại Việt Nam...) nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Việc ban hành bộ tiêu chí có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là tiền đề để các doanh nghiệp tham gia sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm, thiết bị camera giám sát trên thị trường Việt Nam, triển khai rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể nguy cơ mất an toàn thông tin đối với sản phẩm, thiết bị camera do đơn vị mình cung cấp.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, thông qua việc ban hành bộ tiêu chí, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có nhu cầu mua sắm, trang bị các sản phẩm, thiết bị camera giám sát cũng sẽ bước đầu có ý thức hơn trong việc cần phải lựa chọn, tìm kiếm các sản phẩm, thiết bị camera được đánh giá là an toàn. Khi đó, những sản phẩm, thiết bị camera trôi nổi, mất an toàn thông tin trên thị trường Việt Nam sẽ dần bị loại bỏ, từng bước hạn chế nguy cơ mất an toàn thông tin, lộ lọt dữ liệu từ các camera giám sát.
Nguồn tin: Báo CAND
Ý kiến bạn đọc