Tăng cường đề kháng với tin giả

Thứ bảy - 04/05/2024 03:27 259 0
Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phát tán tin giả và hệ lụy khôn lường

Với nhiều người, “fake news” không còn mới mẻ, thực ra nó đơn giản là “tin giả”. Đây là dạng thông tin sai sự thật hoặc không có thật mà người ta hay gọi nôm na là tin vịt, tin đồn nhảm, tin dựng chuyện. Với sự phát triển của mạng xã hội như ngày nay, fake news ngày càng nhiều, được tung lên mạng với nhiều mục đích và động cơ khác nhau.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một “nhà báo công dân”, đưa tin mọi lúc, mọi nơi, dù thông tin đó có thật hay không, đã được kiểm chứng hay chưa. Chính vì thế tin giả ngày càng trở nên nguy hiểm.

Tăng cường đề kháng với tin giả -0
Công an thị xã Sơn Tây làm việc với người đăng tải thông tin sai sự thật.

Nguy hiểm hơn nữa là thông tin nhiều người phát tán không hề được kiểm chứng, trong khi chính người phát tán cũng không thể lường trước được những tác hại mà nó có thể gây ra. Mặc dù cơ quan chức năng đã triệu tập, xử phạt nhiều người tung tin giả nhưng vấn nạn này vẫn đang tiếp diễn. Fake news được phát tán bởi những người có uy tín trên mạng xã hội, hệ lụy của nó sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Bởi, thực tế, tài khoản mạng xã hội của những người này có lượng theo dõi lớn, thông tin mà họ đưa ra được nhiều người cho là đáng tin cậy.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), Trưởng Ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, thì tin giả được đưa lên với nhiều mục đích khác nhau, trong đó sẽ có những mục đích mang tính cá nhân hoặc muốn tạo ra một trào lưu, một hiện tượng lan truyền trên không gian mạng. Rất có thể nó gây ra những sự hoang mang nhất định và sau đó là mang tính trục lợi.

Ông Sơn cho biết: “Tin giả sẽ dựa trên những hiện tượng, những sự kiện trong thực tế. Thậm chí, có những tin giả dựa vào những sự việc xảy ra trong quá khứ. Sau đó đối tượng làm tin giả sẽ thêm bớt những thông tin có yếu tố mới vào khiến khi đưa lên mạng xã hội nó giống một sự kiện vừa xảy ra. Và, thông tin này thường mang tính giật gân, câu khách. Thế nên khi những người sau đọc được thông tin dạng này thì thường bị thôi thúc phải chia sẻ thông tin đó. Đấy chính là lý do vì sao tin giả lại lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Càng những người về sau thì càng ít kiểm chứng hơn vì đã thấy có nhiều người trước đó chia sẻ rồi nên họ hiển nhiên coi đó là tin đã được kiểm chứng”.

Mới đây, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lâm Đồng) phối hợp Công an huyện Đức Trọng triệu tập, làm việc với chủ tài khoản Facebook “Th.M” có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.

Cụ thể, chiều 30/4, tài khoản “Th.M” đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân bài viết có nội dung “có biến tại BigC, 5 người cầm súng bị bắt, tất cả các trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ, kinh doanh giải trí phải đóng cửa ngay lập tức”. Cơ quan công an xác nhận thông tin nêu trên hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, gây hoang mang dư luận tại địa phương.

Cơ quan công an xác định tài khoản “Th.M” do N.Th (sinh năm 1998, hiện trú tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là người quản lý, sử dụng. Quá trình làm việc với Cơ quan công an, N.Th trình bày do bản thân đọc được các thông tin trên trong các hội, nhóm trên mạng, tuy nhiên không kiểm chứng tính chính xác của thông tin trước khi đăng tải lên trang Facebook cá nhân. N.Th đã thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm pháp luật của bản thân, tự nguyện gỡ bỏ bài viết, đồng thời cam kết không tái phạm. Hiện nay, Cơ quan công an đang củng cố hồ sơ để xử lý trường hợp N.Th theo quy định.

Trước đó, vào tháng 12/2023, trên mạng xã hội liên tục lan truyền hình ảnh, clip và thông tin về loại kẹo được bán tại các cổng trường, sau khi được test nhanh nghi phát hiện có chứa chất ma túy. Ngay sau khi xuất hiện thông tin nói trên, lãnh đạo Công TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an thị xã Sơn Tây khẩn trương xác minh thông tin, rà soát địa bàn và làm việc với Bệnh viện Quân y 105 để làm rõ sự việc. Kết quả xác định thông tin trên là sai sự thật. Bệnh viện 105 chỉ tiến hành xét nghiệm ma túy qua nước tiểu và máu, không tiến hành xét nghiệm ma túy qua mẫu thử khác và không xét nghiệm ma túy đối với loại kẹo nào cho kết quả dương tính với ma túy tổng hợp như thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội.

Ngày 4/12/2023, Công an thị xã Sơn Tây đã làm việc với người đăng tải thông tin trên là N.T.H. Tại Cơ quan công an, N.T.H thừa nhận thông tin trên do bản thân bịa đặt, không đúng sự thật và đăng tải trên một nhóm Zalo. Sau đó, thông tin này được chia sẻ, lan truyền rộng rãi trên mạng, gây hoang mang trong dư luận. Công an thị xã Sơn Tây đã ra quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với N.T.H về hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Một vụ việc khác cũng khiến dư luận vô cùng hoang mang và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế chính trị, đó là một tài khoản tung tin “kỷ luật 3 lãnh đạo cấp cao”. Ngay sau đó Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xác định ông N.D.H đăng nội dung sai sự thật về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xem xét kỷ luật 3 lãnh đạo cấp cao. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.D.H (47 tuổi, Hà Nội) theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP.

Ông N.D.H được xác định đã dùng tài khoản mạng xã hội Facebook đăng tải nội dung thể hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu xem xét kỷ luật 2 lãnh đạo Chính phủ, một lãnh đạo Thành ủy Hà Nội. Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định nội dung nêu trên chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm chứng, là thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, vi phạm quy định tại Điều 5, Nghị định số 72/2013 ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Với hành vi nêu trên, ông N.D.H bị xử phạt 7,5 triệu đồng kèm biện pháp khắc phục hậu quả “buộc gỡ bỏ thông tin vi phạm”.

Tăng cường đề kháng với tin giả -0
Chủ nhân tài khoản Th.M bị phạt 7.5 triệu đồng vì đăng tin giả “Đà Lạt có biến”.

Giải pháp hạn chế lan truyền tin giả trên mạng xã hội

Từ những vụ việc trên, phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống tin giả là việc làm cấp bách hiện nay. Để phòng, chống tin giả trên không gian mạng đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, các lực lượng cũng như người dân với những giải pháp đồng bộ.

Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng quốc gia”, thuật ngữ “tin giả” trên không gian mạng thường được hiểu là thông tin không chính xác hoặc mâu thuẫn với sự thật, được lan truyền nhanh chóng và phổ biến trên internet một cách rộng rãi và nhanh chóng. Có thể đó là tin tức, thông tin hoặc dữ liệu được tạo ra hoặc phổ biến với mục đích lừa đảo, đánh lừa hoặc gây rối trong cộng đồng mạng. Tin giả có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ làm mất niềm tin của công chúng đến gây nguy hiểm cho an ninh mạng và an ninh quốc gia.

Để xác định thông tin là giả, vị chuyên gia này cho biết, dấu hiệu nhận biết thông tin giả chính là nguồn tin không tin cậy. Trước tiên phải kiểm tra nguồn gốc của thông tin. Nếu thông tin xuất phát từ các trang web, tài khoản mạng xã hội không rõ nguồn gốc, đặc biệt là nếu không có thông tin xác thực từ các nguồn đáng tin cậy, có thể đây là tin giả. Ngoài ra, còn phải kiểm tra nguồn tin xem tin tức có được phổ biến trên các trang web tin tức uy tín không. Nếu không có sự xác nhận từ các nguồn tin tức đáng tin cậy, có thể tin tức đó là giả mạo. Kiểm tra độ tin cậy của ngôn từ và hình ảnh: Tin giả thường chứa những ngôn từ cảm xúc mạnh mẽ, quảng cáo hoặc dùng hình ảnh sửa đổi để làm nổi bật thông điệp mà không phản ánh chính xác sự kiện.

“Chúng ta phải kiểm tra sự phổ biến, tức là tin giả thường phổ biến nhanh chóng trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn mà không có nguồn gốc xác thực. Bên cạnh đó, tin giả cũng không có ngày, tháng cụ thể hoặc sử dụng ngày, tháng lỗi thời. Đặc biệt là tính logic, kiểm tra xem thông tin có hợp lý không, có phản bác thông tin khác không”, ông Hiếu cho biết thêm.

Bên cạnh đó, chuyên gia Ngô Minh Hiếu đưa ra phương pháp sử dụng công cụ kiểm tra tin giả. Đơn cử như nguồn thông tin kiểm tra tin giả của nhà nước tại: tingia.gov.vn. Ông Hiếu cho rằng: “Việc xác định danh tính của bạn và người dùng khác trên mạng xã hội trước khi chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tiến hành giao dịch trực tuyến là rất quan trọng. Người dân nên hạn chế việc chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội để tránh rủi ro bị lừa đảo hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Biết cách phản ứng đúng đắn khi gặp phải tin tức giả mạo, bạo lực hoặc lời lẽ không tôn trọng trên mạng xã hội. Báo cáo hoặc chặn người dùng gây rối nếu cần. Tăng cường giáo dục về an toàn trực tuyến và kỹ năng phòng tránh lừa đảo cho bản thân và gia đình để tạo ra một môi trường mạng xã hội an toàn hơn”.

Còn theo ông Vũ Ngọc Sơn, giải pháp để hạn chế lan truyền tin giả trước tiên phải xuất phát từ ý thức của người dùng mạng xã hội. Thông thường, khi một người dùng mạng đọc một thông tin nào đó mà cảm thấy không đúng, đáng lẽ phải lên tiếng để ngăn chặn thông tin đó thì họ lại im lặng. Người Việt Nam thường có tâm lý ngại va chạm.

“Bản thân mỗi người khi tham gia mạng nên có ý thức để chung tay bảo vệ không gian mạng. Đấy là việc làm rất quan trọng bởi nếu thông tin giả tràn lan sau này nó có thể gây ra ô nhiễm không gian mạng. Khi ô nhiễm càng lớn, nó có thể tác động ngược lại chính bản thân chúng ta. Vì khi chúng ta cứ phải liên tục đọc những thông tin giả như vậy nếu không có sự kiểm chứng thì sẽ rất dễ bị lung lay. Vấn đề về tin giả hiện chưa có hành lang pháp lý để xử lý những nội dung như vậy. Tuy nhiên, trong thời gian mà chúng ta chưa có đầy đủ pháp lý thì người dùng cũng cần tăng cường cho mình những “kháng thể” để chống lại những tin giả như vậy”.

Nguồn tin: Báo CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây