Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi)

Thứ hai - 09/01/2023 19:59 227 0
Quốc hội đã biểu quyết riêng thông qua 3 điều gồm điều 25 về Hội đồng Y khoa quốc gia; điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và điều 110 về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật.

Chiều 9/1, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với chỉ 78% (386/473) tán thành, 51 người không tán thành và 36 người không biểu quyết. Điều 110  về giá dịch vụ khám chữa bệnh trước đó được thông qua với gần 77% đại biểu tán thành. Ngoài ra, Quốc hội còn biểu quyết riêng thông qua 2 điều gồm điều 25 về Hội đồng Y khoa quốc gia; điều 104 về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật.

Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về nội dung liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ đạo “thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia” và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng nguồn nhân lực y tế. Theo kinh nghiệm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực của người hành nghề thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh.

 Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Tuy nhiên, khi quy định cụ thể về các nội dung trong Điều này, đề nghị Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về thời hạn của giấy phép hành nghề (Điều 27), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, việc quy định thời hạn của giấy phép hành nghề là 5 năm, một mặt nhằm thể chế yêu cầu ‟cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo thông lệ quốc tế” của Nghị quyết 20/NQ-TW, mặt khác nhằm kiểm soát chất lượng người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, tạo căn cứ pháp lý để tăng cường hội nhập quốc tế trong khám bệnh, chữa bệnh.

Theo dự thảo Luật, cứ 5 năm 1 lần, người hành nghề chỉ phải cung cấp thông tin chứng minh về sức khỏe, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để được gia hạn giấy phép. Về đề nghị gia hạn tự động, do việc cấp lại giấy phép hành nghề cần thời gian thẩm định, rà soát hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thực hiện gia hạn tự động mà đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện gia hạn giấy phép hành nghề trực tuyến để bảo đảm tiến độ, thời gian, tính công khai và giảm chi phí.

Về hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khoản 2 Điều 48 quy định ‟Trường hợp cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần, trung tâm y tế, viện có giường bệnh, y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cơ sở có tên gọi khác mà thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì việc cấp giấy phép hoạt động phải thực hiện theo một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này”. Như vậy, các trung tâm y tế huyện, trung tâm quân dân y, cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở khám, chữa bệnh tại các trại giam, trung tâm cai nghiện nếu có thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sẽ áp dụng theo quy định này.  

Cơ sở khám chữa bệnh phải kê khai, niêm yết giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Luật cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ trưởng Bộ Tài chính trong việc quy định phương pháp định giá. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế và các bộ khác. HĐND cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền nhưng không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước áp dụng giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các dịch vụ thuộc danh mục do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Luật cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Các sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư theo phương thức đối tác công tư quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Về tự chủ bệnh viện, Luật quy định Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Luật cũng quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá; Quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật…

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây