Những thay đổi về đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Thứ hai - 11/12/2023 20:55 168 0
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Bộ Công an đã đề xuất những thay đổi về đối tượng cảnh vệ.

Theo Bộ Công an, pháp luật hiện hành quy định 3 nhóm đối tượng cảnh vệ, bao gồm: nhóm đối tượng cảnh vệ là con người, nhóm đối tượng cảnh vệ là khu vực trọng yếu và nhóm đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Theo đó, đối tượng cảnh vệ là con người bao gồm cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế có tiêu chuẩn tương đương.

Tuy nhiên, qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật Cảnh vệ và tình hình thực tiễn hiện nay, theo Bộ Công an cần thiết bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là những người đứng đầu các cơ quan xét xử và kiểm sát hoạt động tố tụng với đặc thù, tính chất công việc của hai chức danh này có liên quan trực tiếp đến việc chỉ đạo, tổ chức giải quyết các vụ án, vụ việc; xử lý vi phạm, tội phạm nên tiềm ẩn các yếu tố nguy hiểm, nguy cơ bị kẻ xấu đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng là rất cao. Trong xu hướng đẩy mạnh cải cách tư pháp và tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm thì tính chất công việc của hai chức danh này ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống bất trắc, khó lường đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người này. Đồng thời, luật hóa Kết luận số 35-KL/TW ngày 05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; trong đó quy định Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thuộc nhóm các chức danh lãnh đạo chủ chốt, cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Những thay đổi về đối tượng cảnh vệ tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ -0
Chiến sĩ Trung đoàn Đặc nhiệm, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ luyện tập phương án đánh bắt khủng bố, giải cứu con tin.

Cũng theo Bộ Công an, tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 10 Luật Cảnh vệ quy định một trong các sự kiện đặc biệt quan trọng là đối tượng cảnh vệ, trong đó có “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, nhà nước tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì hội nghị”.

Điều luật trên quy định tiêu chí hội nghị, lễ hội do nhà nước tổ chức là quá rộng (bao gồm các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương). Đồng thời theo quy định của Luật, một hội nghị quốc tế có một trong số các đối tượng cảnh vệ quy định tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều 10 (hiện tại đối tượng cảnh vệ gồm 37 đồng chí, kể cả các lãnh đạo đã nghỉ hưu như nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước...) tham dự hoặc chủ trì hội nghị thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng và được áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại Điều 14 Luật Cảnh vệ, trong đó có các biện pháp cảnh vệ đối với đại biểu tham dự như tuần tra, canh gác nơi ở tập trung của đại biểu; kiểm tra an ninh, an toàn phương tiện đưa, đón đại biểu; kiểm tra thức ăn, nước uống, đồ vật, phương tiện ra, vào khu vực nơi ở tập trung của đại biểu... như đối với đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kỳ họp của Quốc hội là quá rộng, chưa phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ về bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cũng như gây ảnh hưởng đến đi lại, thực hiện các hoạt động xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự” (có đối tượng cảnh vệ là lãnh đạo chủ chốt: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và khách quốc tế có chức vụ tương đương) thì được xác định là sự kiện đặc biệt quan trọng.

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây