Chiều 16/1, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Công tác điều tra của CAND năm 2023. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Trong thời gian qua, Cơ quan Điều tra các cấp trong CAND đã phát huy vai trò trong công tác điều tra, phòng ngừa, xử lý tội phạm ngày càng tốt hơn, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nêu rõ những kết quả đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đặc biệt trước những yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách của công tác điều tra trong tình hình mới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị tập trung trí tuệ, thời gian, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, từ đó kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng công tác điều tra của CAND…
Trong năm 2022, Cơ quan điều tra đã chủ động nắm, dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, tích cực tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và cấp ủy, chính quyền, Ban Giám đốc Công an các địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng ngừa, điều tra xử lý tội phạm, nổi bật như: Đã tham mưu ban hành Nghị quyết só 14 và Đề án số 10 về “Xây dựng cơ quan điều tra CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; 4 dự án thuộc Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm từng bước đi vào nề nếp, đúng trình tự, thủ tục của pháp luật, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm…Đã khắc phục được nhiều vi phạm, khuyết điểm. Công an cấp xã phát huy vai trò nòng cốt ở cơ sở, tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, hỗ trợ có hiệu quả cơ quan điều tra.
Công tác khởi tố điều tra, xử lý tội phạm được tập trung chỉ đạo, bảo đảm quy định của pháp luật, đạt nhiều kết quả vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh. Cơ quan điều tra đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại 5.392 đối tượng truy nã, trong đó có 1737 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra được nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, chưa có tiền lệ. Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra có chuyển biến tích cực trong thực hiện thẩm quyền pháp luật giao.
Bộ Công an cũng đánh giá, hợp tác quốc tế của cơ quan điều tra được tăng cường chuyên sâu, phục vụ hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế của CAND Việt Nam. Quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra với cơ quan có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời huy động lực lượng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Chủ trì tham luận, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý các đơn vị cần tập trung phân tích những tồn tại, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Cơ quan điều tra của CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Bám sát những gợi mở, định hướng của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, lần lượt lãnh đạo các đơn vị gồm: Cục An ninh điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, Cục Tổ chức Cán bộ, Công an TP Hà Nội, Công an TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận…đã tham luận làm rõ hơn báo cáo trung tâm đồng thời nêu bật những tồn tại, khó khăn, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác điều tra của các cơ quan điều tra trong CAND.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tổng kết thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCA C41 ngày 28/4/2011 của Bộ Công an về nâng cao hiệu quả công tác truy nã trong tình hình mới; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 14 và Đề án số 10 về xây dựng Cơ quan điều tra của CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Về những nội dung tổng kết trên, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đánh giá: Trong những năm qua, quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh trật tự, cải cách tư pháp và công tác xây dựng lực lượng CAND, Đảng ủy Công an Trung ương đã lãnh đạo, chỉ đạo nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng hệ thống Cơ quan điều tra của CSND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Cơ quan điều tra đã phát huy vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”, bảo đảm quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; chất lượng các mặt công tác phòng ngừa, điều tra, xử lý tội phạm ngày càng tốt hơn, cơ bản hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra, qua đó đã kiềm chế sự gia tăng, từng bước làm giảm tội phạm, góp phần quan trọng bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: Công tác điều tra nhất là các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia đã đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ; làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng phản động trong và ngoài nước. Sự gắn kết giữa các hệ lực lượng ngày càng được chặt chẽ; đã có những vụ việc đánh giá, thẩm định, đề xuất đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nhất là những vụ án có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan AN ĐT cũng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị...
Chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong công tác điều tra tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh các giải pháp, biện pháp xử lý, giải quyết; khẳng định vai trò quan trọng cũng như những biện pháp, công tác phối hợp giữa các Cơ quan điều tra trong và ngoài ngành…
Đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ rõ, trong kỷ yếu đã tập hợp khá kỹ các ý kiến tham luận, 52 kiến nghị, chia ra làm 8 nhóm quy định về pháp luật, nâng cao hiệu quả công an xã, ghi âm, ghi hình, ứng dụng công nghệ, bảo vệ cán bộ…, đồng thời đề nghị Văn phòng Cơ quan CS ĐT tập hợp báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ, Chính phủ để kịp thời tháo gỡ, giải quyết.
Phân tích sâu về “bức tranh” trong nhận diện tội phạm và xây dựng cơ quan điều tra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Hiện người nước ngoài và du khách tăng lên sau khi Trung Quốc mở cửa. Các nhóm người ra vào Việt Nam đông. Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện nay cũng dự báo tội phạm sẽ có những diễn biến phức tạp. Công an các đơn vị, địa phương phải chủ động thực hiện nghiêm chỉ đạo kết luận của Bộ trưởng tại Hội nghị Công an toàn quốc, các phương án, thông báo của Bộ Công an về tình hình, đấu tranh với các loại tội phạm.
Đề cập đến những tồn tại, khó khăn và vướng mắc cản trở đến quá trình điều tra của Cơ quan điều tra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc chỉ đạo các đơn vị phải đảm bảo công tác nghiệp vụ cơ bản và điều tra cơ bản thường xuyên như “cơm ăn nước uống” hàng ngày; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài ngành đối với hoạt động điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm…
“Ngay như lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, quản lý người nghiện, hiện nay đang thiếu cán bộ y tế để xác định người nghiện. Thiếu nơi xác nhận người nghiện và thiếu trầm trọng nơi để đưa người nghiện vào chữa bệnh bắt buộc. Những phần việc, nhiệm vụ này thuộc về trách nhiệm của các bộ có liên quan; hay như trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản…Tất cả phải hỗ trợ và cùng với lực lượng Công an tháo “ngòi nổ”, giải quyết tin báo tố giác ngay từ cấp xã, từ cơ sở…”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ.
Về hoạt động của Cơ quan Điều tra, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý chúng ta đã có kinh nghiệm gắn kết giữa hoạt động trinh sát và tố tụng, cần sớm thực hiện và rút kinh nghiệm, triển khai sâu rộng. Những vấn đề liên quan đến định giá, giám định, cần được giải quyết từng bước chắc chắn nhưng nhanh chóng. “ Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải phát huy vai trò tư lệnh, điều phối giữa các địa phương, hệ lực lượng; không đánh khúc giữa, phải làm rõ đầu trên, đầu dưới để bắt giữ, xử lý nghiêm khắc tội phạm. Chỉ làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng như vụ án đăng kiểm được xem như là vụ Việt Á thứ 2…”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh và tin tưởng với những phần việc và yêu cầu nhiệm vụ trên, khi Công an các đơn vị, địa phương hoàn thành sẽ góp phần tiếp tục bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Nhấn mạnh tính cấp thiết và vai trò rất quan trọng của hội nghị trong bối cảnh cuối năm, phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ: Không phải chỉ Cơ quan điều tra và các điều tra viên, toàn lực lượng phải tập trung cho công tác điều tra, vạch trần tội phạm. Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, tội phạm hiện nay đan xen, kinh tế liên quan đến ma túy, hình sự…chính vì lẽ đó hoạt động phối hợp giữa các lực lượng cần phải được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Hoan nghênh Văn phòng Cơ quan CSĐT đi kiểm tra, đánh giá hoạt động Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý khâu quan trọng không kém đó chính là hậu kiểm tra và đặt câu hỏi việc phát hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế đó như thế nào? Bộ trưởng Tô Lâm đặc biệt biểu dương kết quả, thành tích của công tác điều tra năm 2022, qua đó hiểu được bản chất của tội phạm, những thủ đoạn đối phó, diễn biến phức tạp của tội phạm để đấu tranh, ngăn chặn, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ cho hoạt động huy động vốn, quản lý chứng khoán, huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp cũng như đưa dòng tiền vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất, xã hội.
Bộ trưởng đặt câu hỏi, nhiều địa phương đã xác định được những vi phạm pháp luật liên quan đến kinh tế, tham nhũng, buôn lậu chưa? Việc giao đất, những biến động về đất đai, giá cả.., từ đó lưu ý tội phạm giảm nhưng chưa bền vững. Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu phải làm giảm tội phạm trên tất cả các địa phương, lĩnh vực; biện pháp triển khai phải chủ động, bài bài, vững chắc. Công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm hiện vẫn còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Bộ trưởng yêu cầu giám đốc Công an các địa phương phải xem xét và nghiên cứu thực hiện hiệu quả. Việc triển khai Công an chính quy về xã đạt được rất nhiều hiệu quả và cần được đánh giá ở từng địa bàn, địa phương, nhân rộng các cách làm hay, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Đề cập đến việc truy bắt, vận động đối tượng truy nã, giảm số lượng đối tượng truy nã, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu cần phân rõ nhiệm vụ trong từng tháng các đơn vị, đầu mối phải làm những gì, kết quả ra sao; xây dựng đội ngũ điều tra phải đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
“ Phải rất quyết liệt trong triển khai, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, khắc phục ngay những tồn tại, nâng cao vai trò của Công an xã. Tư lệnh các đơn vị, Giám đốc, Phó Giám đốc Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm trước lãnh đạo bộ những yêu cầu nhiệm vụ liên quan đến hoạt động của cơ quan điều tra; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong cơ quan điều tra đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chủ động và hiệu quả trong nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện pháp luật, lý luận về công tác điều tra hình sự; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ phận, đơn vị chặt chẽ hơn để phục vụ cho hoạt động điều tra. Trước mắt, Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm bảo vệ an ninh, an toàn phục vụ nhân dân vui Tết, đón xuân…”- Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ.
Nguồn tin: Báo Cônh an nhân dân
Ý kiến bạn đọc